Cây cà chua vụ đông ở Nà Cang

Qua sự giới thiệu của lãnh đạo xã Cò Nòi (Mai Sơn), chúng tôi thăm cánh đồng cà chua đang vào vụ thu hoạch của bà con bản Nà Cang. Trên đồng ruộng bên cạnh những luống rau như: Súp lơ, đỗ, bắp cải, su hào xanh ngắt, những luống cà chua đã có quả chín đỏ cho giá trị kinh tế cao.

 

Nông dân bản Nà Cang, xã Cò Nòi (Mai Sơn) thu hoạch cà chua sớm.

Thăm vườn cà chua của gia đình chị Dương Thị Nghiệp khi chị đang nhanh tay chăm sóc vườn cà chua vào độ chín. Trên diện tích đất trên 3.000 m2 gia đình chị đã trồng rất nhiều loại rau vụ đông khác nhau, song diện tích đất để trồng cà chua nhiều hơn cả. Với số lượng hơn 1.000 gốc cà chua đang cho thu hoạch, một vụ gia đình chị thu khoảng 10 tấn cà chua thương lái đến tận vườn thu mua để mang về Hà Nội tiêu thụ.

Trước đây, cà chua chỉ được trồng vào vụ đông. Vào chính vụ khi cà chua thu hoạch rộ, giá thường rất rẻ, có khi xuống tới 4.000-5.000 đồng/kg. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, người nông dân nơi đây đã chuyển sang trồng cà chua vụ đông sớm hơn 1 tháng. Cà chua sớm có ưu điểm vượt trội về giá và thị trường tiêu thụ. Đang hái những quả cà chua đỏ mọng, anh Nguyễn Văn Hiền, chồng chị Nghiệp vui mừng nói: Trồng cà chua chính vụ dễ chăm sóc, năng suất ổn định nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Nhận thấy trồng cà chua sớm cho hiệu quả cao hơn gấp 3 - 4 lần so với trồng chính vụ, nhiều năm nay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng cà chua sớm. Vụ này, cà chua đang có giá bán từ 14.000-15.000 đồng/kg, gia đình đang ước vụ cà chua năm nay sẽ lãi khoảng gần 100 triệu đồng.

Hiện toàn bản có trên 2 ha cà chua. Để trồng cà chua vụ đông sớm, sang tháng 8, các hộ nông dân bắt đầu lên luống trồng cà chua. Từ đầu tháng 11 trở ra, cà chua sớm cho thu hoạch trước chính vụ gần 1 tháng. Mặc dù cà chua sớm có hiệu quả kinh tế cao nhưng do tác động của các yếu tố thời tiết không thuận lợi nên cà chua trái vụ khó trồng, thường bị nhiều bệnh gây hại, người nông dân khó chủ động trong canh tác. Cà chua sớm thường cho năng suất cao với điều kiện thời tiết dịu mát, mưa ít, heo may sớm... Ngược lại, thời tiết mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Theo kinh nghiệm của những người trồng cà chua ở Nà Cang, để nâng cao hiệu quả từ canh tác cây cà chua sớm, khâu chọn giống cà chua và khâu chăm sóc chiếm vai trò quan trọng. Cà chua trồng được trên nhiều loại đất, song thích hợp nhất vẫn là đất nhiều chất mùn hay đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt. Trước khi lên luống cần làm đất ải. Bên cạnh đó, phải có hệ thống thoát nước bảo đảm,  phải lên luống cao để cây không bị úng và chết. Anh Nguyễn Đình Triển là một trong những hộ có diện tích cà chua tương đối lớn của bản Nà Cang cho biết: Qua nhiều năm trồng cà chua sớm, tôi rút ra kinh nghiệm: Chăm sóc cà chua trái vụ đúng kỹ thuật là một trong những phương pháp để cà chua sạch bệnh và cho năng suất cao. Sau khi trồng phải tưới nước ngay, dùng gáo tưới cách hốc từ 7-10 cm cho đến khi cây hồi xanh hoàn toàn. Khi cây cao 50- 60 cm phải cắm giàn để giữ cây không bị đổ, gãy... Cà chua đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng nên gia đình tôi còn mua tro về trộn với đất, để đất luôn tơi xốp và dùng phân hỗn hợp NPK bón nhiều lần. Giai đoạn đầu cây sinh trưởng chậm thì bổ sung lượng nhỏ phân đạm và lân, kết hợp phun phân bón lá... để cây nhanh lớn. Trong quá trình chăm sóc cây chỉ giữ các chồi nhánh mọc dưới nách lá xuất hiện chùm hoa đầu tiên. Khi trên cây đạt số chùm hoa cần thiết thì bấm ngọn và những chồi nách không cần thiết giúp cây tập trung dinh dưỡng để dưỡng quả. 

Hiện, nông dân trong bản đang tập trung trồng các giống cà chua mới như: Cà chua ít hạt, cà chua bi, cà chua bát... Ưu điểm của các giống này là dễ chăm sóc, phù hợp sản xuất trái vụ; cây có khả năng kháng bệnh héo xanh, năng suất ổn định; quả có “mã” đẹp, thường chín cây, khi quả chín không bị mềm, nhũn; thời gian thu hoạch quả kéo dài... Chị Phạm Thị Lan, thương lái thu mua cà chua để mang về Hà Nội tiêu thụ chia sẻ: So với các vùng trồng cà chua khác trên địa bàn huyện Mai Sơn, cà chua Nà Cang (Cò Nòi) có vị thơm ngon và nhiều bột. Chất lượng đó được tạo dựng nên không chỉ bởi cây cà chua hợp với thổ nhưỡng, khí hậu mà do người dân nơi đây để quả chín tự nhiên trên cây, không sử dụng thuốc kích thích, không trẩy quả xanh rồi dấm bằng thuốc nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây cà chua nói riêng, cây rau màu vụ đông nói chung, xã Cò Nòi đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông của xã thường xuyên kiểm tra, kịp thời thông báo tình hình sâu bệnh và biện pháp phòng, trừ đến người dân. 

Việc trồng cà chua sớm phần lớn là do người dân tự nhận định nhu cầu của thị trường để phân bố thời vụ. Việc trồng cà chua sớm, kéo dài thời gian thu hoạch đã mang lại lợi ích cho người nông dân nơi đây. Để đảm bảo đầu ra sản phẩm, tránh bị tư thương ép giá, rất cần các ngành chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con...

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm

    Phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm

    An ninh trật tự -
    Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm ngay từ cơ sở, Công an xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tăng cường tuyên truyền pháp luật, phối hợp tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cao về tội phạm, củng cố các nhóm liên gia tự quản, tổ an ninh trật tự tại các bản.
  • 'Vân Hồ xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp

    Vân Hồ xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp

    Khoa Giáo -
    Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường học trên địa bàn huyện Vân Hồ đã tích cực thực hiện phong trào xây dựng “Trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
  • 'Huổi Một nỗ lực vươn lên

    Huổi Một nỗ lực vươn lên

    Xã hội -
    Xã Huổi Một là một trong những xã khó khăn huyện Sông Mã. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vươn lên thoát nghèo.
  • 'Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

    Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

    Du lịch -
    Mộc Châu là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, khai thác lợi thế đó, huyện Mộc Châu quan tâm, khuyến khích phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
  • 'Có Nàng chung sức xây dựng nông thôn mới

    Có Nàng chung sức xây dựng nông thôn mới

    Nông thôn mới -
    Về bản Có Nàng, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nơi đây. Những con đường bê tông mới, những ngôi nhà kiên cố, khang trang ngày một nhiều hơn, dịch vụ, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đặc biệt, tuyến đường vào bản được chiếu sáng bởi hai hàng bóng điện năng lượng mặt trời, như tiếp thêm động lực cho bản vùng cao ngày một phát triển.
  • 'Thực hiện quy định về sử dụng lao động trẻ em

    Thực hiện quy định về sử dụng lao động trẻ em

    Xã hội -
    Quan tâm xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ được học tập, vui chơi, giải trí, huyện Yên Châu chú trọng công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng trẻ em tham gia lao động trái quy định pháp luật, đảm bảo các em được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
  • 'Nậm Lầu triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

    Nậm Lầu triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

    Xã hội -
    Theo giới thiệu của ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai, chúng tôi về xã Nậm Lầu, là xã có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và cũng là một trong những xã có diện tích rừng lớn của huyện Thuận Châu. Những năm qua, chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, phát triển rừng sản xuất, phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo điều kiện cho nhân dân có thêm sinh kế, thu nhập từ nghề rừng.
  • 'Hiệu quả chương trình giảm nghèo ở Tà Xùa

    Hiệu quả chương trình giảm nghèo ở Tà Xùa

    Xã hội -
    Cuối tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Nằm ở độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển, nên mùa đông nơi đây lạnh cắt da, cắt thịt. Xã có 4 bản, 574 hộ, trên 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.