Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, những năm qua, trên địa bàn huyện Mai Sơn đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế, trong đó, việc trồng bưởi đang đem thu nhập cao cho những người làm vườn.
Mô hình trồng bưởi Diễn của người dân xã Mường Bon (Mai Sơn).
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn có 273 ha đất trồng bưởi, tập trung ở các xã: Cò Nòi, Hát Lót, Mường Bon, Chiềng Mung, Chiềng Ban và thị trấn Hát Lót; với các giống bưởi chủ yếu là bưởi da xanh, bưởi Diễn, được trồng theo quy trình kỹ thuật khoa học mới, như tỉa cành, bón phân, thực hiện nguyên tắc “4 đúng” về thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo quy trình VietGAP và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất; năng suất bình quân trên 15-18 tấn/ha.
Được trồng từ năm 2013, bưởi da xanh thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Mai Sơn. Theo những người làm vườn, bưởi da xanh có sức đề kháng tốt, chống chịu được với thời tiết, khí hậu cực đoan như lạnh giá, sương muối, chỉ sau 3 năm trồng và chăm sóc đã cho thu hoạch, nếu chiết ghép cải tạo thì chỉ sau 1 năm đã cho thu quả. Đặc biệt bưởi da xanh có thời gian thu hoạch khá dài, từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 1 năm sau, do đó hiệu quả kinh tế cao. Bưởi da xanh nếu chăm bón tốt có thể đạt trọng lượng trung bình 2kg/quả, có quả đạt từ 2,5-3kg, một ha cho thu hoạch khoảng 15-20 tấn quả, với giá bán tại vườn từ 35-50 nghìn đồng/kg sẽ cho nguồn thu từ 600-800 triệu đồng. Còn bưởi Diễn, tuy chất lượng trồng ở vùng đồi núi không đạt 100% như trồng ở đồng bằng. Bù lại, bưởi Diễn trồng ở đây có ưu điểm là hằng năm ra quả đều hơn so với miền xuôi; ưu điểm nữa của bưởi Diễn là thường chín rộ vào những ngày đầu tháng Chạp, nên đáp ứng được nhu cầu sử dụng bưởi trong dịp Tết của người dân...
Hộ ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan là người có nhiều đóng góp trong việc cung ứng giống cây bưởi lưu vườn chất lượng và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nâng cao chất lượng loại trái cây này cho hàng chục hộ thành viên và nông dân trên địa bàn. Hiện nay, HTX Ngọc Lan có gần 20 ha bưởi da xanh được trồng theo quy trình VietGAP, tập trung chủ yếu ở bản Noong Xôm và bản Nà Càng, nhà ít thì vài chục cây, nhiều lên tới gần 1 nghìn cây. Riêng nhà ông Dũng, hiện có hơn 2 ha bưởi da xanh. Đây là năm đầu tiên thu hoạch, nhưng vườn bưởi cho năng suất cao, trung bình đạt từ 30 đến 50 quả/cây; năng suất niên vụ năm 2018 đạt khoảng 15 tấn bưởi/ha.
Hiện tại, bưởi da xanh được tư thương thu mua tại vườn, với mức giá trung bình từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Quang Tình, ở bản Noong Xôm cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng cà phê, nhưng hiệu quả kinh tế cũng không ổn định, có năm bị sương muối, mất mùa, hỏng hết cây. Nhận thấy trồng bưởi da xanh hiệu quả kinh tế hơn, năm 2014, tôi chuyển sang trồng bưởi da xanh, với diện tích 1 ha, hiện đã cho thu thoạch gần 0,4 ha với sản lượng 7 tấn quả. Với diện tích đó nếu trồng cà phê tôi chỉ thu được khoảng 40-50 triệu đồng, còn trồng bưởi thu được hơn trăm triệu đồng.
Trong thời gian tới, huyện Mai Sơn tập trung hướng dẫn bà con thâm canh, nâng cao hiệu quả diện tích bưởi da xanh và bưởi Diễn đã trồng, mở rộng diện tích ở các xã có điều kiện phù hợp. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm bưởi, huyện tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; tích cực hướng dẫn các hộ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tạo ra sản phẩm hoa quả sạch. Đồng thời, triển khai một số chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các HTX làm đầu mối với các siêu thị, các doanh nghiệp để tiêu thụ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!