Cây ăn quả ở Mai Sơn

Mai Sơn được đánh giá là một trong những vựa cây ăn quả lớn của tỉnh. Nhiều hộ dân xây dựng trang trại cây ăn quả rộng từ 3-4 ha, đem lại nguồn thu nhập từ vài trăm triệu tới hơn một tỷ đồng/năm. Nhiều hộ có cuộc sống khá giàu từ trồng cây ăn quả.

 

Nông dân bản Nà Cang, xã Hát Lót (Mai Sơn) phát triển cây ăn quả cho thu nhập cao.

 

Nói về sự phát triển của cây ăn quả trên đất Mai Sơn, anh Cầm Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết: Từ năm 2007, một số hộ dân trong huyện đã thực hiện cắt ghép, cải tạo vườn tạp bằng cây xoài, nhãn chín muộn tạo nguồn thu nhập cao. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc theo Thông báo số 121-TB/TU ngày 30/11/2016 của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, thì việc phát triển cây ăn quả có chất lượng cao ở Mai Sơn mở rộng quy mô hơn. Do trồng các loại cây ăn quả chất lượng cho giá trị kinh tế cao nên đã khích lệ các hộ dân trong huyện chuyển diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả như nhãn, na, bưởi da xanh, bưởi diễn, cam, quýt... Chỉ tính riêng năm 2017, diện tích trồng mới cây ăn quả của huyện đã tăng 1.142 ha.

Tìm hiểu được biết, hiện nay huyện Mai Sơn có 2.700 ha cây ăn quả các loại, sản lượng hằng năm đạt gần 20 nghìn tấn quả. Trong đó, chủ yếu là các loại cây ăn quả: Nhãn 1.100 ha, sản lượng hơn 8.400 tấn/năm; xoài 878 ha, sản lượng 6.700 tấn/năm; na dai trên 150 ha, sản lượng 1.400 tấn; mận các loại 164 ha, sản lượng gần 400 tấn/năm; cam, quýt 72 ha, sản lượng 290 tấn quả/năm... Tập trung ở các xã: Hát Lót, Chiềng Mung, Mường Bằng, Nà Bó, Chiềng Ban, Cò Nòi, Mường Bon, thị trấn Hát Lót... Để phát triển thành chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, một số hộ dân trong huyện đã liên kết thành lập 15 HTX trồng cây ăn quả, gồm: Nhãn chín muộn của HTX Dịch vụ và Nông nghiệp nhãn chín muộn xã Chiềng Mung, quy mô gần 100 ha, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản lượng 500 tấn quả/năm; na dai của HTX dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại Thanh Sơn, xã Cò Nòi, với 33 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản lượng gần 400 tấn quả/năm; bưởi da xanh của HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap quy mô 20 ha thu 10.000 quả/năm; thanh long ruột đỏ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của HTX Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, với 9 ha, sản lượng 225 tấn/năm... Theo những người dân trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện thì thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với sự phát triển các loại cây ăn quả, chính vì vậy, phong trào trồng cây ăn quả ngày càng được nhân rộng. Số hộ có thu nhập cao từ việc trồng cây ăn quả cũng gia tăng, với 107 hộ có thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm trở lên từ trồng cây ăn quả.

Chúng tôi về xã Hát Lót, nơi có diện tích và sản lượng cây ăn quả lớn nhất huyện. Ông  Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã tự hào: Từ năm 2010 trở về đây, xã có chủ trương phát triển mạnh cây ăn quả như: Bưởi da xanh, bưởi diễn, xoài Úc, nhãn ghép... Đến nay, toàn xã có 480 ha cây ăn quả, trong đó, 300 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 7.000 tấn/năm. Tập trung ở Tiểu khu 10, bản Nong Xôm, bản Nà Cang... nhiều hộ có thu nhập cao từ cây ăn quả như hộ các ông: Nguyễn Bá Tuấn, Lý Văn Quảng (Tiểu khu 10) thu nhập từ 900 triệu đến 1,7 tỷ đồng/năm từ trồng bưởi da xanh; Nguyễn Chí Ngọc, trồng xoài Úc, thu 800 triệu đồng/năm; Đào Xuân Hùng, bản Nà Cang trồng bưởi diễn thu 200 triệu đồng/năm...

Chia tay những người nông dân trong tiết trời ấm áp của mùa xuân đang về, trên khắp các bản làng, những ngọn đồi xanh, vườn cây ăn quả xanh hút tầm mắt, tô thêm cho bức tranh của vùng quê nông thôn mới Mai Sơn.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới