Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ sơ chế cà phê là khu vực xã Mường Bằng, Chiềng Mung (Mai Sơn) lại bị ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hằng ngày của nhân dân trong khu vực. Đặc biệt, nguồn nước thải từ sơ chế cà phê chảy từ xã Chiềng Mung theo dòng suối Bó Hỏ về xã Mường Bằng có màu đen kịt, hôi thối, khiến người dân không có nước sinh hoạt và sản xuất... Vấn đề này đã được các cử tri của 2 xã nhiều lần phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một cơ sở sơ chế cà phê tại xã Chiềng Mung không có hệ thống xử lý nước thải.
Tại Trường Tiểu học Mường Bằng 1, anh Tòng Văn Thi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Gần 10 năm nay, Trường Tiểu học Mường Bằng 1, Trường Mầm non Mường Bằng và gần 200 hộ dân bản Bó, cùng một số hộ ở bản Bằng sử dụng hệ thống nước tự chảy từ mó nước bản Cắp (xã Mường Bằng) để sinh hoạt và sản xuất. Mùa sơ chế cà phê năm nay, nguồn nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng, không dùng được. Để có nước sinh hoạt, Trường Tiểu học vận động phụ huynh học sinh đóng góp tiền khoan giếng nước tại trường, Trường Mầm non cũng đã có ý kiến sử dụng chung giếng nước này. Tuy nhiên, chúng tôi không chắc chắn nước giếng này có hợp vệ sinh hay không? đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp nhưng chưa thấy có giải pháp khắc phục.
Từ Trường Tiểu học Mường Bằng 1, chúng tôi đi dọc theo dòng suối Hong Co. Đây là dòng suối bắt nguồn từ xã Chiềng Mung chảy qua các bản: Sẳng, Cắp, Bó và Tằn Pầu thuộc xã Mường Bằng và đổ ra suối Nặm Pàn. Tại đoạn suối chảy qua bản Tằn Pầu, dòng nước đen đặc, sủi bọt, mùi hôi thối nồng nặc, có lẽ khó có loài sinh vật nào sống nổi trên dòng suối này, vì vậy người dân nơi đây gọi dòng suối này là “dòng suối chết”. Anh Tòng Văn Phong, Bí thư Chi bộ bản Tằn Pầu nói: Dòng suối này là nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân các bản. Nhưng cứ vào thời điểm sơ chế cà phê hằng năm, dòng suối lại bị ô nhiễm nặng, bà con không có nước sinh hoạt và sản xuất.
Trở về xã Chiềng Mung, từ quốc lộ 6 rẽ trái đi theo đường Hùng Vương về quốc lộ 4G hướng về huyện Sông Mã có các cơ sở sơ chế cà phê nằm cạnh bờ suối vào dịp này đang hoạt động. Đến cơ sở sơ chế cà phê của gia đình anh Nguyễn Đức Chính, thôn 7, xã Chiềng Mung, chị Mai Thị Liệu (vợ anh Chính) cho biết, vụ cà phê năm nay không thu mua được nhiều, nên chủ yếu sơ chế sản phẩm cà phê của gia đình trồng. Khi hỏi về hệ thống xử lý nước thải của cơ sở, chị nói do chi phí quá lớn, trong khi thu nhập từ việc sơ chế cà phê thấp, nên gia đình chưa xây dựng được hệ thống xỷ lý nước thải, vì vậy “đành” xả ra ngoài theo cống rãnh.
Còn tại cơ sở sơ chế cà phê của gia đình bà Lê Thị Hà, thôn 4, xã Chiềng Mung, không khí sản xuất khá nhộn nhịp. Bà Hà nói: Gần 10 năm nay, gia đình tổ chức sơ chế sản phẩm cà phê tự trồng khoảng hơn 10 tấn/vụ, đồng thời thu mua sản phẩm cà phê quả tươi của bà con trong khu vực để sơ chế. Vụ năm ngoái, gia đình sơ chế được khoảng 100 tấn cà phê nhân (tương đương 400 tấn cà phê tươi). Với số lượng cà phê sơ chế lớn như vậy, nhưng cơ sở này mới xây dựng bể chứa nước thải khoảng 18 m3, khi bể chứa đầy, nước thải sẽ tràn ra mương và chảy ra suối, gây ô nhiễm môi trường. Qua thông tin từ đồng chí lãnh đạo xã được biết, ngày 24/10/2018, liên ngành Công an huyện và Phòng Tài nguyên môi trường huyện đã xử phạt hành chính 2 cơ sở trên. Dù vậy, hiện 2 cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động.
Nước thải của một cơ sở sơ chế cà phê ở thôn 4, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) tràn ra mặt đường.
Trở về trụ sở UBND xã Chiềng Mung trao đổi vấn đề ô nhiễm môi trường do sơ chế cà phê với ông Lò Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết, hiện xã có 594 ha cà phê, sản lượng khoảng 6.500 tấn/năm. Toàn xã có 71 cơ sở sơ chế cà phê của các hộ tư nhân, công suất từ 2 tạ đến 20 tấn/ngày, trong đó 17 hộ sơ chế cà phê liên quan đến ô nhiễm dòng suối chảy về xã Mường Bằng; ngoài ra có 3 hộ thuộc tổ 6, phường Chiềng Sinh (Thành phố) có cơ sở sơ chế cà phê gần nguồn nước trên. Đa số các hộ sơ chế cà phê đều không có hệ thống xử lý nước thải đúng quy định; có hộ xây bể chứa nhưng dung tích chỉ từ 15-20 m3, hoặc đào hố để chứa nước thải. Để sơ chế 1 tấn cà phê quả tươi, cần từ 2-3 m3 nước. Vụ năm nay, xã Chiềng Mung xuất hiện nhiều cơ sở sơ chế cà phê tư nhân, nhỏ lẻ, khó kiểm soát lĩnh vực môi trường. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp chuyển đổi từ thu mua quả cà phê tươi sang thu mua cà phê đã qua sơ chế. Thời gian qua, xã đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường nước bị ảnh hưởng từ việc sơ chế cà phê trên địa bàn. Đơn cử như: Tháng 10/2018, thành lập tổ kiểm tra công tác vệ sinh môi trường; phối hợp với liên ngành Công an huyện và Phòng Tài nguyên môi trường huyện Mai Sơn tiến hành kiểm tra tại các thôn, bản, tiểu khu trong xã. Qua kiểm tra đã phát hiện các hộ sơ chế cà phê đào hố chứa nước thải, hoặc có bể chứa nước thải nhưng dung tích nhỏ để nước thải tràn ra suối... Đoàn công tác liên ngành đã xử phạt hành chính đối với 10 hộ dân, mức phạt từ 1-3 triệu đồng/hộ. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở sơ chế cà phê xây thêm hoặc mở rộng bể chứa tương ứng với lượng nước thải sơ chế cà phê của gia đình. Tuy nhiên, hiện nay các hộ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động sơ chế cà phê trong khi chưa có giải pháp khắc phục việc thu gom nước thải từ chế biến cà phê.
Thực trạng ô nhiễm môi trường từ sơ chế cà phê tự phát, nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát ở xã Chiềng Mung rất cần được giải quyết dứt điểm, nếu không, cứ đến vụ sơ chế cà phê hằng năm, người dân trong khu vực lại sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, mà hệ lụy sau này khó có thể lường trước. Điều đó rất cần các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có những giải pháp quyết liệt, đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tới người dân pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là với các hộ, các cơ sở tham gia chế biến cà phê. Đồng thời, đề xuất với tỉnh lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch cơ sở sản xuất, chế biến cà phê... Có như vậy mới gắn sản xuất với bảo vệ môi trường bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!