Sau nhiều lần lỡ hẹn, một ngày đầu năm Mậu Tuất, chúng tôi mới gặp được anh Lò Văn So, Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn), là người có uy tín tiêu biểu dân tộc Xinh Mun, năng động trong phát triển kinh tế; nhiệt tình, trách nhiệm và quyết đoán trong vai trò người đứng đầu Chi bộ.
Anh Lò Văn So (người đầu tiên bên trái) hướng dẫn nhân dân bản Ta Vắt kỹ thuật chăm sóc xoài ghép Đài Loan.
Từ trung tâm xã Phiêng Pằn, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ vượt 12 km đường đất dốc cao, chúng tôi đến bản Ta Vắt. Trải nghiệm quãng đường đi nhiều khó khăn, chúng tôi thêm chia sẻ với người dân bản Ta Vắt trên bước đường xóa đói, giảm nghèo. Nhà anh So ở ngay đầu bản, ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, mái lợp ngói đỏ, rộng rãi, khang trang. Khác với tôi nghĩ, Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt khá già dặn so với tuổi 32, dáng người cao to, nước da bánh mật, anh hóm hỉnh mà sâu sắc. Trong cuộc trò chuyện, anh So nhắc nhiều đến việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt hiệu quả; việc xây dựng các mô hình kinh tế điểm để nhân diện rộng trong toàn bản, với mong muốn cuộc sống của người dân Ta Vắt thoát đói, nghèo. Trong quá trình đó, 12 đảng viên trong Chi bộ có nhiệm vụ vận động gia đình gương mẫu thực hiện trước để khi có kết quả sẽ thuyết phục bà con trong bản làm theo.
Sinh ra và lớn lên tại bản Ta Vắt, thủa nhỏ anh So được bố mẹ cho đi học, nhưng mới học hết lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Mai Sơn thì bố mất, anh phải nghỉ học để đỡ đần mẹ làm nương, làm rẫy. Vốn là người hoạt bát, nhanh nhẹn, vừa phụ giúp gia đình phát triển sản xuất, anh So còn tích cực tham gia các hoạt động của Chi đoàn thanh niên bản và được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư chi đoàn. Anh đã cùng với Ban Chấp hành Chi đoàn vận động đoàn viên tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện mức sống của gia đình. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao tạo môi trường lành mạnh cho ĐVTN tham gia để tránh xa các tệ nạn xã hội... Năm 2011, anh So được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi tròn 25 tuổi. Sau khi được chuyển Đảng chính thức cũng là thời điểm đại hội Chi bộ bản, anh đã được các đảng viên tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy và đảm nhiệm trọng trách Bí thư Chi bộ. Khi nhớ lại thời gian đó, gương mặt người Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt bộc lộ rõ sự trăn trở, anh nói: Khi được bầu làm Bí thư Chi bộ bản, tôi rất tự hào, nhưng cũng rất lo lắng, vì tuổi đời, tuổi Đảng còn quá trẻ, lại chưa có kinh nghiệm, tôi luôn nghĩ làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đứng đầu, mà điều quan trọng nhất là làm thế nào để cuộc sống của bà con trong bản bớt khổ, bớt nghèo?
Bản Ta Vắt có 148 hộ dân, 100% là đồng bào người dân tộc Xinh Mun. Trình độ dân trí hạn chế, đường giao thông khó khăn, việc tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật sản xuất không mấy dễ dàng, vì vậy sản xuất vẫn mang tính tự cung, tự cấp, cuộc sống chưa thoát khỏi đói nghèo. Anh So nghĩ, chỉ khi được nhìn thấy kết quả thực tế mới có thể vận động được bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trước thực tế, 73 ha ruộng ở bản chỉ sản xuất 1 vụ mùa, đất ruộng bỏ hoang, vừa lãng phí đất, lại thiếu lương thực, anh So quyết định gieo cấy thêm vụ chiêm trên phần diện tích ruộng của gia đình. Năm 2015, anh sản xuất vụ chiêm đầu tiên, song do chưa có kinh nghiệm nên khi gieo mạ anh rắc thẳng thóc giống xuống ruộng có nước, thóc giống bị thối, vậy là thất thu. Không nản, anh đến các bản khác trong xã để học hỏi cách làm, vụ chiêm năm sau tiếp tục sản xuất và đã thành công, với năng suất 3 tấn thóc/ha. Từ kết quả của gia đình anh So, vụ chiêm năm 2017, nhiều hộ dân trong bản đã làm theo. Anh Lò Văn Yêu, bản Ta Vắt khoe: Sản xuất thêm vụ chiêm không những đủ thóc ăn mà còn được bán nữa. Cứ đà này, người dân Ta Vắt sẽ từng bước bảo đảm được lương thực, sẽ không còn tình trạng đói khi giáp hạt.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn đồi trồng cây xoài Đài Loan của gia đình rộng 8.000 m2, với những hàng xoài xanh tốt, có cây cao trên 1 m, anh So chia sẻ: Khi xem ti vi, đọc báo, tôi thấy ở các vùng khác người dân trồng cây ăn quả trên đất dốc đạt hiệu quả, tôi nghĩ họ làm được mình cũng làm được. Bởi vậy, năm 2015, tôi mua giống ổi Đài Loan về trồng 7.000 m2 đất đồi, 2 năm sau ổi cho thu hoạch bói được trên 1 tạ quả. Tôi còn trồng hơn 8.000 m2 cây xoài Đài Loan, trên 1 ha cây mận hậu... Đứng trước vườn xoài rộng đang phát triển tốt, chúng tôi thêm cảm phục ý chí và sự năng động của Bí thư Chi bộ người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới này khi tuổi đời còn khá trẻ, lại không có trình độ chuyên môn, nhưng với quyết tâm chiến thắng đói nghèo không chỉ cho riêng gia đình mà cho cả 148 hộ dân trong bản là động lực giúp anh dám nghĩ, dám làm. Trong quá trình phát triển kinh tế gia đình, anh So còn tuyên truyền, vận động bà con trong bản cùng làm, anh phân tích cho mọi người hiểu rõ việc phát triển kinh tế gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa mới hết đói, hết nghèo; hướng dẫn họ từ cách đào hố trồng cây, chọn nơi mua giống cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc... Những kiến thức này anh học được trên ti vi, trên báo và đi học hỏi thực tế ở các vùng trồng nhiều cây ăn quả trong huyện Mai Sơn. Học và làm theo anh, hiện ở bản Ta Vắt có 6 hộ dân đã trồng 2 ha ổi; 10 hộ trồng 3 ha cây xoài Đài Loan; gần 30 hộ trồng 6 ha cây mận hậu. Cùng với đó, niên vụ mía 2017-2018, bản có 26 gia đình ký hợp đồng trồng 19 ha mía với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn (xã Cò Nòi, Mai Sơn). Đây là những mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi từ tập quán sản xuất lạc hậu sang sản xuất hàng hóa của người dân bản Ta Vắt để có cuộc sống no ấm mà người tiên phong đi trước, làm trước là “thủ lĩnh” Lò Văn So.
Đến bản Ta Vắt, chúng tôi nhận thấy, các chuồng chăn nuôi trâu, bò được đặt xa nhà; những ngôi nhà sàn hay nhà đất đều không khóa cửa, mặc dù nhiều gia đình chủ nhà đã đi làm ruộng, làm nương - Điều đó cho thấy cuộc sống nơi đây thật yên bình. Khi nói về điều này, anh So không giấu niềm tự hào: Ma túy chưa bao giờ xâm nhập được vào bản, vì vậy Ta Vắt không có tình trạng trộm cắp, an ninh trật tự luôn bảo đảm. Để có được kết quả đó, Chi bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý bản thường xuyên tuyên truyền, giải thích cho bà con trong bản hiểu những tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước trong các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho bà con trong bản tham gia. Theo Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt, khi lập gia đình, người dân tộc Xinh Mun thường tổ chức 2 lần đám cưới, hoặc khi gia đình có việc tang tổ chức ăn uống nhiều ngày rất tốn kém. Vì vậy, thời gian qua ở bản đã có nhiều hộ sau đám cưới hoặc sau đám tang là cả gia đình lo trả nợ. Để đẩy lùi hủ tục lạc hậu này, Chi bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý bản họp toàn bản và thống nhất đưa vào quy ước của bản việc tổ chức đám cưới, đám tang gọn nhẹ, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Xinh Mun.
Thay cho lời kết của bài báo, chúng tôi xin được đưa ra nhận xét của đồng chí Lò Thị Phiên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phiêng Pằn về Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt Lò Văn So: Là người luôn nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong mọi hoạt động, phong trào ở bản, nhất là trong phát triển kinh tế; nhiệt tình, trách nhiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong vai trò bí thư chi bộ bản; là người có uy tín tiêu biểu, được nhân dân tin tưởng và làm theo... Nhiều năm, đồng chí Bí thư Chi bộ bản Ta Vắt được công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2017, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!