Chuyện của những cựu thanh niên xung phong

Một ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi được trò chuyện với một số cựu thanh niên xung phong trên địa bàn Thành phố. Qua những câu chuyện, chúng tôi thêm hiểu về tinh thần “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên” mà hàng vạn thanh niên trong cả nước đã phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng xương máu, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Mai và ông Vũ Xuân Hải chia sẻ những kỷ niệm về thời kỳ tham gia TNXP.

 

Không để “mạch máu” giao thông ngừng chảy

Trong ngôi nhà nhỏ ở tổ 8, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, ông Vương Đình Chí, cựu TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã kể cho chúng tôi về những ngày tháng oanh liệt tham gia san lấp hố bom, bảo đảm thông đường tại khu vực cầu Tà Vài, huyện Yên Châu. Năm nay đã tuổi 90, dù không nhớ chính xác những mốc thời gian, nhưng khi nhắc đến những năm tháng hào hùng đó, gương mặt ông Chí ánh lên niềm tự hào. Ông kể: Thời gian ấy, địch ném bom ác liệt, khiến cho đất, đá, cây cối bên đường đổ ập xuống mặt đường, lòng suối nhiều tầng, nhiều lớp. Chúng tôi sử dụng dao, cuốc, xẻng nhanh chóng tạo đường đi mới; một bộ phận mang các rọ bằng nứa, bỏ đá cuội vào trong, sắp rọ đá thành hai bên lề đường, rồi đặt bó cây ngang giữa 2 rọ tạo thành đập tràn, đường ngầm cho xe ô tô, xe thồ và bộ đội đi qua an toàn. Dù khó khăn, nguy hiểm, nhưng tất cả chúng tôi đều quyết tâm không để xảy ra ách tắc giao thông.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Chí cùng với đơn vị tiếp tục hành quân lên Lai Châu tham gia mở đường. Gian nan, vất vả, nhưng ông và các đồng đội vẫn hăng say lao động để hoàn thành tuyến đường đó. Năm 1957, ông Chí được kết nạp vào Đảng và chuyển công tác về Khu tự trị Thái Mèo. Ông mang ra khoe với chúng tôi tấm Huy hiệu Đảng 65 năm vừa được trao tặng vào tháng 5/2022, như để minh chứng thêm rằng, ông luôn phát huy tinh thần xung kích tình nguyện trong các cương vị công tác sau này. 

Phá đá mở đường Trường Sơn

Tại trụ sở của Hội Cựu TNXP tỉnh, bà Nguyễn Thị Mai, TNXP thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian oanh liệt, hào hùng mà bà đã tham gia cùng đồng đội để góp phần giành độc lập dân tộc. Bà Mai kể: Quê tôi ở tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 2/1971, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi tình nguyện tham gia lực lượng TNXP và được biên chế vào đơn vị C9, Tổng đội TNXP N53. Sau 15 ngày huấn luyện, tôi được phân công về A5, C9. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, cách ngã ba Đồng Lộc khoảng 45 km. Đây là tuyến đường huyết mạch vào chiến trường miền Nam, vì vậy, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, hòng cắt đứt tuyến giao thông. Hàng ngày, tôi và đồng đội có mặt trên tuyến đường đào đất, đá vá đường, lấp hố bom, bảo đảm thông tuyến cho xe chở lương thực, thực phẩm, đạn dược và bộ đội hành quân ra chiến trường. Đơn vị còn thành lập đội xung kích theo dõi những quả bom chưa nổ, đánh dấu lại để lực lượng công binh phá bom. Sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng chúng tôi vẫn luôn yêu đời, ngày đi làm tối về học văn hóa, sinh hoạt A.

Giọng bà Mai chợt trùng xuống: Tháng 9/1971, trong một trận máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, một quả bom nổ cách A của bà đóng quân khoảng 10 mét, làm 1 đồng đội hy sinh, bà Mai và 1 người bị thương và được đưa đi điều trị. Sau khi xuất viện, bà tiếp tục tham gia “vá đường, lấp hố bom” thông tuyến cho xe ra chiến trường. Năm 1974, bà xuất ngũ trở về quê hương và đi học sư phạm. 16 năm sau chuyển lên Sơn La công tác trong ngành Thương nghiệp rồi được nghỉ chế độ hưu trí. Hiện bà là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Sơn La. Ở bất cứ vị trí công tác nào, bà Mai cũng phát huy tinh thần của TNXP. Bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huy hiệu Đảng 40 năm; Bằng khen của Tỉnh ủy về đạt danh hiệu đảng viên xuất sắc 5 năm liên tục (2012-2016); năm 2020, được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích hoạt động TNXP.

Nơi nào khó, có thanh niên

Từng là TNXP và cũng đã trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng ông Vũ Xuân Hải, tổ 3, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, vẫn nhớ rất rõ thời gian tham gia lực lượng TNXP. Đó là giai đoạn 1968-1970, chàng thanh niên trẻ Vũ Xuân Hải tham gia lực lượng TNXP mở tuyến đường từ Chờ Lồng vào mỏ than Hang Mon, huyện Yên Châu. Việc mở tuyến đường này có 2 mục đích, đó là phục vụ lưu thông trong trường hợp đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, gây ách tắc tại đèo Chiềng Đông, huyện Yên Châu và phục vụ nhiệm vụ khai thác mỏ than Hang Mon, phát triển kinh tế.

Ông Hải nhớ lại: Thời điểm đó, sáng sớm hàng ngày, chúng tôi tổ chức lao động bằng những công cụ thô sơ, như búa, xà beng, cuốc, xẻng, xe ba gác và dùng mìn để phá đá. Dù khó khăn, gian khổ, nhưng với tinh thần: “Đâu cần, thanh niên có; nơi nào khó, có thanh niên”, chúng tôi vẫn lao động hăng say, hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày ấy, phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh mẽ ở các đơn vị với phương châm “ngày em đi làm đường, đêm về em học chữ, hát cho vang trời tuổi trẻ 20”.

Trong phong trào đó, ông Hải được phân công làm thầy giáo dạy lớp học xóa mù chữ. Dù không có kỹ năng sư phạm, nhưng với sự nhiệt huyết của thầy giáo, sự ham học của các học viên, đã có 1/3 đội viên TNXP được xóa mù chữ. Nhiều TNXP sau này tiếp tục học văn hóa và các trường chuyên nghiệp. Sau khi hoàn thành tuyến đường, tháng 1/1970, ông Hải nhập ngũ. Cho đến hôm nay, đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn nhiệt tình, trách nhiệm trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu TNXP Sơn La, cùng với BCH Hội quan tâm chăm lo nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên; kết nối xác định danh tính liệt sỹ TNXP; khuyến khích, động viên hội viên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Năm tháng trôi qua, những cựu TNXP người còn, người mất. Nhưng những câu chuyện về họ mãi là niềm tự hào về truyền thống cách mạng, là bài học về tinh thần xung kích tình nguyện vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
  • 'Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Kinh tế -
    Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, livestream bán hàng đã tạo nên một làn sóng mới trong thương mại điện tử, nhất là bán sản phẩm nông sản. Với tính tương tác cao, khả năng giới thiệu sản phẩm chi tiết và minh bạch, livestream đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho nông sản.
  • 'Học tập và làm theo Bác vì sự nghiệp “trồng người”

    Học tập và làm theo Bác vì sự nghiệp “trồng người”

    Gương sáng bản làng -
    Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiền, Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ, huyện Vân Hồ luôn nỗ lực rèn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
  • 'Dân vận khéo, tạo đồng thuận về nhận thức, cách làm

    Dân vận khéo, tạo đồng thuận về nhận thức, cách làm

    Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, Đảng bộ xã Tú Nang, huyện Yên Châu, đã vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được hình thành, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
  • 'Phụ nữ Quỳnh Nhai năng động, sáng tạo

    Phụ nữ Quỳnh Nhai năng động, sáng tạo

    Xã hội -
    Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quỳnh Nhai có 12 cơ sở hội, với trên 11.400 hội viên sinh hoạt tại 103 chi hội. Giúp chị em tự tin, năng động, các cấp hội thường xuyên tạo điều kiện để chị em phát huy khả năng sáng tạo, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • 'Bác bỏ luận điệu sai trái “ở Việt Nam quyền lực nhà nước không thuộc về nhân dân”

    Bác bỏ luận điệu sai trái “ở Việt Nam quyền lực nhà nước không thuộc về nhân dân”

    Những luận điệu và thủ đoạn phản ánh sai lệch về quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay đều xuất phát từ những tổ chức, cá nhân chống cộng cực đoan, chống chủ nghĩa xã hội và cơ hội về chính trị. Động cơ và mục đích chính trị của họ cũng không ngoài mục đích phủ nhận thành quả của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong gần 80 năm qua.