Lần đầu gặp Trung tá Vì Văn Chương, Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La, chúng tôi đã cảm nhận được sự thân tình, cởi mở, dễ gần. 20 năm trong lực lượng biên phòng, phần lớn thời gian anh gắn bó và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với nhân dân vùng biên giới.
Trung tá Vì Văn Chương chia sẻ: Tôi luôn tự hào về lựa chọn trở thành người lính quân hàm xanh. Dẫu biết rằng, trong thời bình, người lính vẫn phải vượt lên gian khó, đôi khi hy sinh quyền lợi cá nhân nhưng điều hạnh phúc là được cống hiến để bảo vệ quê hương, đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Năm 2001, tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên Vì Văn Chương rời quê hương Sông Mã nhập học tại Học viện Biên phòng và quyết tâm chọn chuyên ngành trinh sát phòng chống tội phạm. Trong 6 năm học, anh luôn đứng đầu toàn khóa về thành tích học tập và tốt nghiệp loại giỏi. Được Học viện giữ lại làm giảng viên, nhưng anh quyết định trở về quê hương để cống hiến.
Nhớ lại năm 2007, khoác ba lô về nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm ma túy Đồn Biên phòng Mường Cai, thuộc BĐBP Sơn La, anh Chương chia sẻ: Thời điểm đó, Sơn La là điểm nóng về ma túy, địa bàn xã Mường Cai và Mường Hung, huyện Sông Mã do đơn vị quản lý, hàng trăm gia đình có người liên quan đến ma túy. Tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới khá phức tạp; bà con ở các bản vùng sâu còn lén lút trồng cây thuốc phiện... Tôi và đồng đội đã bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phát hiện và bắt giữ các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Cũng có những trận chiến, đối tượng là người địa phương thông thuộc địa bàn, chúng tôi phải rất vất vả mật phục mới bắt được. Trong 2 năm làm Đội trưởng phòng chống tội phạm, tôi đã trực tiếp chỉ huy Đội bắt giữ 13 vụ án ma túy, thu trên 8 bánh hê-rô-in, hơn 32 nghìn viên ma túy tổng hợp, cùng các vật chứng liên quan khác. Ngoài ra, còn phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ án ma túy khác.
Trung tá Vì Văn Chương kể: Tháng 10 năm 2008, chúng tôi phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng thuộc xã Mường Cai vận chuyển ma túy qua biên giới. Mở rộng điều tra, khám nhà đối tượng, người vợ vừa khóc vừa nói: “Bộ đội bắt nó đi tù đi, chứ ở nhà nó bán hết tài sản để hút chích ma túy, làm khổ vợ con nhiều lắm”. Câu chuyện của người phụ nữ này khiến tôi và đồng đội càng nỗ lực nhiều hơn trong đấu tranh với tội phạm ma túy, để cuộc sống của mỗi gia đình được yên bình.
Đầu năm 2020, anh được phân công về nhận nhiệm vụ Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Khi về nhận nhiệm vụ, Trung tá Vì Văn Chương đã thường xuyên cùng đồng đội về các bản thực hiện “3 bám”, “4 cùng” với bà con, giúp nhân dân phát triển kinh tế; vệ sinh môi trường; khám bệnh cho nhân dân… Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là việc lấy vợ, lấy chồng qua biên giới không đăng ký kết hôn là vi phạm pháp luật. Bà con các bản đã tin những lời bộ đội Chương nói, vì vậy, khi ở các bản có chuyện khúc mắc xảy ra hoặc nghi ngờ có kẻ xấu đến bản là báo ngay cho bộ đội.
Chia sẻ với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong 3 năm (2020-2022), Ban chỉ huy đơn vị đã đề xuất với cấp trên cho phép nhận nuôi 6 cháu theo chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”. Hàng tối, anh cùng chiến sĩ trong đơn vị cùng học với các con, hướng dẫn những bài toán, cách làm một bài văn…
Năm 2021 và năm 2022, có 3 cháu tốt nghiệp THPT, trong đó 2 cháu đỗ đại học. Đặc biệt, cháu Thào Tra Pó có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng đỗ Trường đại học Tài nguyên và Môi trường, với tổng số 30 điểm, là động lực để các cháu khác nỗ lực học tập và rèn luyện.
Ngoài ra, Trung tá Chương đã bàn với Ban chỉ huy đơn vị và xin ý kiến cấp trên tổ chức các lớp xóa mù chữ cho bà con. Anh cùng đồng đội đến từng gia đình có người chưa biết chữ để vận động đi học. Tại mỗi gia đình, anh giải thích để bà con hiểu, không biết chữ sẽ không biết áp dụng kỹ thuật để lúa cho nhiều thóc, cây cho nhiều quả, vật nuôi mau lớn; sẽ không hiểu biết pháp luật dễ bị kẻ xấu lợi dụng…
Từ năm 2020 đến 2022, đơn vị đã tổ chức được 7 lớp xóa mù chữ cho 205 người. Sau thời gian học, ai cũng biết đọc, biết viết và biết làm những phép tính đơn giản. Và hơn hết, họ tin tưởng và nghe theo bộ đội biên phòng, thực hiện nghiêm quy chế biên giới; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thoát nghèo.
Điển hình như chị Sộng Pạ Dê, là mẹ của cháu Thào Tra Pó (con nuôi của đơn vị), sau lớp xóa mù chữ, chị đã vay vốn ngân hàng để nuôi trâu, bò, mở cửa hàng tạp hóa. Hiện nay, chị đã thoát nghèo, là gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi của xã Mường Lạn.
Đầu tháng 4 năm nay, Trung tá Vì Văn Chương lại tiếp tục được điều chuyển nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La. Với anh, dù đảm nhiệm ở vị trí công tác nào cũng luôn phấn đấu làm tròn nhiệm vụ của người lính quân hàm xanh, góp sức mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!