Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi về bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, gặp và trò chuyện với ông Hoàng Văn Chất, một trong những nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhấp chén trà nóng, ông Chất kể: Năm 1978, khi ấy mới 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ. Năm 1982, được cử đi học lớp trung cấp y, thuộc Học viện Quân y. Sau khi tốt nghiệp, năm 1984, tôi được phân công về công tác tại Bệnh viện Quân y 6, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Năm 1989, kinh tế gia đình khó khăn, tôi xin phục viên về phát triển kinh tế. Từ đó, tôi quyết tâm cải tạo đất đồi của gia đình trồng cà phê và các loại cây ăn quả để tăng thu nhập.
Ông Chất đã cải tạo 13 ha đất của gia đình trồng mía, cà phê xen cây mận hậu. Những năm đầu, việc canh tác cà phê nhiều thuận lợi, diện tích liên tục được mở rộng. Cây cà phê đã giúp gia đình ông cùng nhiều hộ dân ở Chiềng Ban thoát nghèo, vươn lên giàu có. Tuy nhiên, việc trồng cà phê phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nhiều diện tích cà phê liên tục bị thiệt hại do sương muối, hạn hán.
Không cam chịu đói nghèo, cuối năm 2013, ông Chất cùng hai người con trai lên huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và sang cả Nậm Bạc, tỉnh Luông Pha Băng của nước bạn Lào để học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Sau hơn 2 tháng trở về, đầu năm 2014, ông Chất vay ngân hàng 14 triệu đồng mua phân bón, cải tạo đất và mua 120 cây cam giống V2 về trồng thử nghiệm thay thế hơn 2.000m² cà phê. Không có tiền thuê lao động, cả ngày, mấy bố con lăn lộn trên nương, cây cam phát triển tốt. Năm 2015, tiếp tục phá bỏ 3 ha cà phê, đầu tư thêm 60 triệu đồng mua 1.500 cây cam giống C36, cam đường canh, bưởi da xanh về trồng. Một năm sau đó, ông lại quyết định vay ngân hàng và người thân 240 triệu đồng mua giống, phân bón, mở rộng diện tích trồng cam, bưởi thêm 1,7 ha nữa.
Thời điểm này, tỉnh có chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gia đình ông được hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Là người ham học hỏi, ngoài việc tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức, ông đã tự nghiên cứu, cải tiến hệ thống tưới ẩm phù hợp với gần 5 ha cây ăn quả. Đồng thời, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, không dùng phân bón hóa học, mà sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và tận dụng hết các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, từ vỏ cà phê, rơm rạ, lõi ngô để ủ với phân chuồng.
Đất không phụ công người, năm 2017, vườn cam của gia đình ông đã thu hoạch vụ đầu tiên hơn 30 tấn cam, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Những năm tiếp theo, sản lượng các loại quả và thu nhập liên tục tăng. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu hoạch hơn 100 tấn quả các loại, trừ chi phí lãi khoảng 1,2 tỷ đồng. Gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng và gần 30 lao động thời vụ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Chất luôn chia sẻ kinh nghiệm về trồng các loại cây ăn quả cho nhân dân trên địa bàn xã. Năm 2018, ông đã vận động 12 hộ thành lập hợp tác xã Trường Tiến, do ông làm Giám đốc. Các thành viên được ông hướng dẫn cách chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cà phê chất lượng cao.
Đến nay, HTX có 20 thành viên, trồng cây ăn quả, như: cam, bưởi, nhãn, xoài và cây cà phê, với tổng diện tích đất sản xuất của các thành viên là 364 ha. Trong đó, 216 ha đã cho thu hoạch và được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hàng năm, cung cấp ra thị trường 200 tấn cam các loại, 300 tấn cà phê. Ngoài ra, HTX còn trồng thêm 2 ha rau xanh, chăn nuôi 200 con bò sinh sản. Tổng doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt trên 50 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 50 - 60 lao động địa phương, thu nhập đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX còn liên kết, cung cấp cây giống, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua bao tiêu sản phẩm cho trên 360 hộ trên địa bàn thành phố và các huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La... Bên cạnh đó, mô hình kinh tế của HTX trở thành địa chỉ để các đoàn công tác trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả bên nước bạn Lào đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Ông Chất còn hướng dẫn nhân dân cụm Ten Luồng, huyện Mường Ét, nước CHDCND Lào cải tạo đất đồi, kỹ thuật chăm sóc 5 ha cam trên đất dốc.
Ghi nhận những đóng góp, ông đã được UBND tỉnh Sơn La và các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen về sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2020, ông Chất vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chứng nhận đạt Danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!