Xanh mãi rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những ngày cuối tháng 4, thăm Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, được nghe, tìm hiểu khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi càng tự hào về đoàn quân giải phóng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giọng nữ

Khu rừng huyền thoại

Trên tuyến đường 13A (nay là quốc lộ 37) đã diễn ra những cuộc hành quân lớn và vận chuyển tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí ra chiến trường. Trong đó, rừng bản Nhọt  rộng  gần 200 ha, được hình thành từ 2 dãy núi với lớp lớp cây rừng dày đặc che khuất tầm nhìn của máy bay địch đã trở thành “tấm lá chắn” che chở cho đoàn quân. Đây là một điểm trú quân an toàn của bộ đội ta trên đường ra trận, nơi dừng chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đoàn quân giải phóng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên.

Cựu chiến binh Mùi Văn Lý, người trực tiếp quản lý tại khu di tích, cho biết: Những người chứng kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân giải phóng năm xưa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dừng chân nghỉ ở khu rừng bản Nhọt đã không còn. Qua lời kể của các thế hệ cha, ông, được biết: Ngày trước, khu rừng gọi là Khuông Bùa, với lớp lớp cây rừng già dày đặc và có dòng suối Bùa chảy qua. Thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân giải phóng hành quân từ Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái lên Điện Biên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và dừng chân, đóng quân tại khu rừng diễn ra rất bí mật, hành quân khẩn trương, không dấu vết để tránh bị địch phát hiện.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân trong bản mới biết Đại tướng và đoàn quân từng dừng nghỉ tại nơi đây. Để tỏ lòng biết ơn, người dân địa phương đặt cho khu rừng những cái tên hàm chứa bao tình cảm thân thương: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Rừng ông Giáp”, “Rừng tướng Giáp” và luôn coi trọng, bảo vệ cánh rừng, không ai chặt phá, săn bắt thú rừng, nhiều cây gỗ quý có đường kính hàng mét vẫn trường tồn, tỏa bóng với thời gian.

Du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử tại khu di tích.

Ghi nhớ dấu tích lịch sử gắn với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2008, khu rừng được UBND tỉnh công nhận là khu Di tích lịch sử cấp tỉnh, nằm trên quy hoạch rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất tại các xã Gia Phù, Suối Bau, Suối Tọ, với diện tích trên 300 ha. Trong đó, gần 200 ha rừng phòng hộ được người dân bản Nhọt nhiều năm giữ gìn, bảo vệ, với những cây chò chỉ cổ thụ thân mấy người ôm, cùng với dòng suối Bùa chảy róc rách quanh năm, tạo không khí trong lành, mát mẻ.

Giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Di tích được tu bổ, tôn tạo và khánh thành cuối năm 2021, gồm: Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sân đền thờ, sân hành lễ, cầu cảnh quan, cổng tam quan... Đền thờ có diện tích 150 m2, gồm Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với 2 bức hoành phi chính diện ban thờ có ghi “Tổ quốc trên hết” và “Dĩ công vi thượng”. Hai bên có câu đối: “Văn lo vận nước văn thành võ - Võ thấu lòng dân võ hóa văn”. Câu đối do nhà giáo, nhà báo Hồ Cơ viết tặng Đại tướng nhân dịp sinh nhật 90 tuổi. Câu đối đã khái quát toàn bộ tài năng, đức độ của vị tướng huyền thoại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khu di tích đã đón nhiều đoàn du khách đến tham quan. Cựu chiến binh Hoàng Văn Nhu, tỉnh Yên Bái, cho biết: Mỗi khi về Điện Biên, chúng tôi đều vào thăm rừng Tướng Giáp và thắp hương tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để tưởng nhớ công lao của các thế hệ cha, ông đã hy sinh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc. Đến đây, tôi thấy mình như được trở lại những năm tháng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cảm xúc rất tự hào.

Thầy giáo Hà Ngọc Tư, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Phù, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, cho biết: Mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà trường tổ chức ngoại khóa giáo dục truyền thống cho các em học sinh tại khu di tích. Các em được dâng hương Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tìm hiểu thân thế sự nghiệp của Đại tướng và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Trường mầm non Huy Thượng, huyện Phù Yên tổ chức ngoại khóa tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, khu di tích đã đón trên 20 triệu lượt khách đến tham quan. Bà Nguyễn Thúy Mai, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Phù Yên, Trưởng ban quản lý khu di tích, cho biết: Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, quản lý và phát huy giá trị của công trình; là nơi để nhân dân và du khách đến thể hiện niềm tôn kính, tri ân công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là điểm đến hấp dẫn với các đoàn khách du lịch về chiến trường Điện Biên. Tháng 9/2023, khu di tích được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch; hình thành tour du lịch từ hồ Suối Chiếu đi rừng Noong Cốp, đến Ao Noong Bua rồi ra rừng Tướng Giáp, điểm cuối là du lịch lòng hồ sông Đà.

Để rừng Tướng Giáp mãi xanh

Khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành niềm tự hào của của nhân dân bản Nhọt, mặc dù đã tách thành bản Nhọt 1 và 2 nhưng nhân dân 2 bản vẫn đồng lòng phối hợp tuần tra, bảo vệ để khu rừng mang tên Đại tướng mãi xanh. Ban Quản lý bản Nhọt 1 và 2 tăng cường phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR, tác hại của việc chặt phá rừng; phát huy vai trò cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia giữ rừng.

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên.

Bà Đinh Thị Tiên, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nhọt 1, cho biết: Bản đã phối hợp với bản Nhọt 2 kiện toàn Tổ bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, gồm 8 thành viên, thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng mỗi tuần một lần. Bên cạnh đó, bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng, quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên tổ bảo vệ rừng; trách nhiệm của các hộ dân tham gia tuần tra, bảo vệ, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Đỗ Văn Trường, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên, cho biết: Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với ban quản lý 2 bản tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Nhiều năm nay, cả 2 bản không để xảy ra cháy, chặt phá rừng cũng như khai thác lâm sản trái phép.

Với niềm tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ, sự quý trọng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gia Phù nói riêng, huyện Phù Yên nói chung sẽ chăm sóc, bảo vệ cánh rừng mang tên Đại tướng mãi mãi xanh tươi và trường tồn với thời gian, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Thành phố Sơn La triển khai sơn kẻ vạch trên các tuyến đường

    Thành phố Sơn La triển khai sơn kẻ vạch trên các tuyến đường

    Thành phố Sơn La -
    Đảm bảo an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trên địa bàn thành phố năm 2025, hướng tới chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, từ đầu tháng 5, thành phố Sơn La đã đầu tư thực hiện Dự án sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc các tuyến đường giao thông trên địa bàn. 
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận tại tổ

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận tại tổ

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo, gồm: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
  • 'Tôn vinh nghề điều dưỡng

    Tôn vinh nghề điều dưỡng

    Sức khỏe -
    Điều dưỡng viên không chỉ hỗ trợ đắc lực bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, mà còn là cầu nối giữa cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân. Cùng với tình yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp, họ còn nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 là dịp để xã hội tôn vinh đội ngũ điều dưỡng - những người đã và đang góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
  • 'Họp Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

    Họp Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 12/5, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố; thành lập Đảng bộ cấp xã trực thuộc Tỉnh ủy; sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ từ tỉnh đến cơ sở (Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU), đã chủ trì cuộc họp.
  • 'Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng

    Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng

    Sức khỏe -
    Ngày 12/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Hội Điều dưỡng tỉnh tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng (12/5/1965 - 12/5/2025); trao giải Cuộc thi “Sáng tạo góc truyền thông Giáo dục sức khỏe” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 13/5/2025

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 13/5/2025

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa tăng cường sau có cường độ ổn định và suy yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ thay đổi. Thời tiết: Mây thay đổi, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngày nắng.
  • 'Đẩy nhanh tiến độ đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài

    Đẩy nhanh tiến độ đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 12/5, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì họp báo cáo tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2025. Tham dự có đại diện các sở, ngành của tỉnh.
  • 'Nghị quyết số 480/NQ-HĐND

    Nghị quyết số 480/NQ-HĐND

    INFOGRAPHIC -
    Ngày 29/4/2025, tại Kỳ họp chuyên đề thứ 30, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND đã quyết nghị thông qua Nghị quyết số 480/NQ-HĐND về việc gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án sang năm 2025 đối với 3 dự án sử dụng ngân sách Trung ương không đáp ứng thời gian bố trí theo quy định tại Điều 57, Luật Đầu tư công năm 2024.