Những ngày tháng 5 lịch sử, muôn trái tim của cả nước cùng chung nhịp đập, hướng về Điện Biên Phủ trong niềm tự hào của Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Có mặt cùng dòng người đến thăm chiến trường xưa, để tưởng nhớ, tự hào và khắc ghi công ơn mà lớp lớp cha ông đã chiến đấu anh dũng, kiên cường cho nền hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc hôm nay.
Tự hào mảnh đất anh hùng
Thăm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đỉnh đồi D1, từ nơi đây thỏa sức phóng tầm mắt thật rộng, thật xa, ngắm cảnh thung lũng Mường Thanh với sân bay Điện Biên Phủ hiện đại bậc nhất trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Cầu Thanh Bình tráng lệ vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng nối đôi bờ sông Nậm Rốm hiền hòa, dòng sông “chở” bao chuyện trong quá khứ chưa xa!
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay rực rỡ sắc cờ, hoa; sắc đỏ quốc kỳ tung bay trên các tuyến phố nối dài từ cửa ngõ vào trung tâm. Nổi bật là tuyến đường Võ Nguyên Giáp dài gần 7km, rộng thênh thang; trải dài qua các phường Him Lam, Tân Thanh, Mường Thanh và Nam Thanh của thành phố Điện Biên Phủ, trên quốc lộ 279 hướng về Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang. Hai bên đường là những trụ sở, trường học và rất nhiều trung tâm thương mại sầm uất, phố xá tấp nập.
Gặp chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ông Nguyễn Hữu Chấp, Khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, nay đang sinh sống tại tổ 20, phường Him Lam, thành phố Điện Biên. Ông Chấp kể lại: Trong cuộc đời của mình, khoảnh khắc nhớ nhất với tôi là ngày 13/3/1954, khẩu đội cối 82 của tôi đã cùng pháo ta tập trung bắn vào trung tâm đề kháng Him Lam. Sau hơn 5 giờ chiến đấu quyết liệt, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3. Đến 22 giờ 30 phút, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. Sang 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Ta tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống 200 tù binh, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Chiến thắng Him Lam, là chiến thắng đầu tiên mở màn của chiến dịch và đi tới ngày chiến thắng 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những thành tựu trong quá trình phát triển
Sau 70 năm, trên nền chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đã có lớp lớp những con người nỗ lực dựng xây. Trong những thế hệ ấy, có hàng nghìn thanh niên từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xung phong lên Điện Biên xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình thủy lợi đầu tiên, hiện đại nhất tỉnh Lai Châu (cũ) nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung lúc bấy giờ. Trong suốt sáu năm thi công (1963-1969), có gần 2.000 thanh niên xung phong với các phương tiện thô sơ làm việc liên tục hoàn thành xây dựng một đập ngăn sông, một tường chắn sóng, đào đắp tuyến kênh ôm trọn lòng chảo Mường Thanh. Nhờ có đại thủy nông Nậm Rốm, diện tích canh tác trên cánh đồng Mường Thanh mở rộng từ 2.000 ha lên hơn 5.000 ha; nông dân Điện Biên từ sản xuất một vụ, tăng lên hai vụ lúa nước, một vụ rau màu. Năng suất vượt trội, chất lượng nông sản trên cánh đồng Mường Thanh nức tiếng gần xa. Giờ đây, nông dân tỉnh Điện Biên tự tin đem cà phê Mường Ảng, gạo Sén Cù quảng bá với các bạn hàng trong nước và vươn xa thế giới.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn phát huy truyền thống anh hùng, chuyên cần trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, vượt qua, khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã đi một chặng đường dài 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Trong hành trình xây dựng, năm 2004, sau chia tách, kết quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu (cũ) đạt được, đã tạo cho tỉnh Điện Biên thế và lực mới, cùng cả nước vững bước trong sự nghiệp đổi mới của Đảng ở thế kỷ XXI.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng khá, GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt trên 9,33%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22,25%, dịch vụ chiếm 57,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 đạt hơn 1.640 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2004.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả quan trọng, tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2023 đạt 285,52 nghìn tấn. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, gạo, chè, cà phê, mắc ca... với trên 10.000 ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; triển khai 13 dự án trồng cây mắc ca, quy mô 89.310 ha; có 2.759 ha cây cà phê, 613 ha chè; hình thành 56 sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2023, tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 48/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 41,74% số xã; toàn tỉnh có 66 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại; 100% xã trong tỉnh có đường ôtô đến trung tâm... Chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Điểm nhấn, Cảng Hàng không Điện Biên chính thức hoạt động trở lại sau khi hoàn thành việc nâng cấp các hạng mục, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật các loại tàu bay hiện đại như A320, A321. Dự án cao tốc Điện Biên - Sơn La giai đoạn 1 được khẩn trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng, mở ra những cơ hội phát triển mới.
Đời sống nhân dân được chăm lo, 100% người dân tộc thiểu số được hỗ trợ BHYT; toàn tỉnh có 484 cơ sở giáo dục, đào tạo với 7.257 phòng học cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học; 99,65% lao động có việc làm; các giá trị văn hóa truyền thống bảo tồn và phát huy; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm trên 4%, trong đó, tại các huyện nghèo vùng cao, biên giới giảm trên 6%.
Từ tháng 4/2023 đến tháng 1/2024, Điện Biên hoàn thành làm mới 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng kinh phí 489,4 tỷ đồng. Chương trình “Đưa điện về thắp sáng vùng cao” nhận được sự hỗ trợ đầu tư 465 tỷ đồng xây dựng thêm các công trình đưa điện về 108 thôn, bản của 37 xã thuộc 8 huyện với tổng số 6.605 hộ được sử dụng điện lưới, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lên 93,26%. Phấn đấu cuối năm 2024, hoàn thành mục tiêu đưa điện về 118 thôn, bản.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác quân sự, quốc phòng và đối ngoại triển khai toàn diện, xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.
Điện Biên vươn tầm cao mới
Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Điện Biên xác định phát triển nhanh, vững chắc gắn với bản sắc và giá trị lịch sử. Chiến lược phát triển tổng quát: “Hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc”, tập trung phát triển có trọng điểm, dồn trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, bao gồm: Nông - lâm nghiệp; du lịch; xây dựng; thương mại - dịch vụ; công nghiệp. Trong đó, lấy nông - lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực; du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
Điện Biên đang quyết tâm thực hiện 3 đột phá phát triển là “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa nhưng ý nghĩa, giá trị lịch sử vẫn vẹn nguyên cho hôm nay và mai sau. Có thể khẳng định, sau 70 năm giải phóng, có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.
Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đoàn kết, đồng lòng, xây dựng cuộc sống phía Tây Bắc Tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn, từng bước cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 “Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!