Trò chuyện cùng những người lính Điện Biên năm xưa

70 năm đã trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên tuổi mười tám, đôi mươi năm xưa đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Nhưng khi nhắc về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, các ông vẫn nhớ như in kỷ niệm của những ngày gian khó và hào hùng làm “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”...

Giọng nữ
Ông Nguyễn Văn Bể (đứng thứ 5, hàng thứ nhất từ trái qua) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ.
(Ảnh tư liệu)

Ký ức hào hùng

Trong những ngày cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, được nghe kể lại những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ của quân và dân ta. Với các ông, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn là câu chuyện nóng hổi mỗi dịp gặp mặt để nhớ về những người đồng đội đã hy sinh, ký ức về những trận đánh nảy lửa, giành nhau từng tấc đất.

Về tiểu khu 32, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn gặp ông Lê Công Bỉnh, 94 tuổi, 67 năm tuổi Đảng. Đón chúng tôi với nụ cười hiền, bên ấm trà mới pha, ông Lê Công Bỉnh kể: Tôi quê xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tham gia dân quân du kích và hoạt động thanh niên tại xã từ năm 1946. Tháng 12/1949 tôi và các thanh niên ở xã xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Cục Quân nhu liên khu A4. Tháng 12/1952, được điều động về Đại đội 115 cối 120 mm, Tiểu đoàn 83, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351, tham gia chiến dịch thượng Lào. Tháng 12/1953, Tiểu đoàn được điều động về Đại đoàn 312, hành quân bộ 20 ngày khiêng pháo cối 120 mm từ Tuyên Quang qua Yên Bái, Nghĩa Lộ, Bắc Yên để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhấp ngụm nước chè, ông Lê Công Bỉnh bảo: Ngày ấy, những người lính hành quân ra trận với khí thế hừng hực, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. 12 người khiêng ba bộ phận của khẩu pháo 120 mm, miệt mài băng rừng, vượt núi và luôn phải bảo đảm bí mật, cứ ba đêm hành quân thì nghỉ một đêm. Từ Yên Bái đến bến phà Âu Lâu qua đèo Lũng Lô, qua phà Tạ Khoa, đèo Chẹn đến Ngã ba Cò Nòi là con đường huyết mạch, độc đạo. Gian khổ nhất là khu vực bến phà Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi, bom đạn quân địch dội xuống suốt ngày đêm. Có hôm chuẩn bị cơm chiều thì máy bay ném bom trúng không còn gì để ăn.

Ông Lê Công Bỉnh nhớ lại: Ác liệt nhất là từ bến phà Tạ Khoa đến ngã ba Cò Nòi, chủ trương của ta quyết tâm bảo vệ con đường này, bộ đội công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được giao nhiệm vụ bảo đảm lưu thông, từng giây, từng phút đối mặt với nguy hiểm. Tại ngã ba Cò Nòi, máy bay của địch bắn phá suốt ngày đêm, với đủ các loại bom tạ, bom tấn, bom xuyên, bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom napan...

Khi nhắc tới những kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, giọng ông Lê Công Bỉnh trầm xuống: Tôi vẫn còn nhớ như in trận đánh ác liệt vào cứ điểm Him Lam, khẩu đội pháo 120 mm của tôi có 3 chiến sĩ, nhưng sau mấy giờ chiến đấu thì 2 người đã hy sinh.

Ông Lê Công Bỉnh kể lại những năm tháng hào hùng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể, quê làng Trung Đạo, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cũng là một trong những nhân chứng sống trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, ông cư trú tại bản Xi Măng, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu. Dù đã 95 tuổi, nhưng khi nhớ về những năm tháng hào hùng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Bể như được tiếp thêm sức mạnh, chất giọng vẫn mạnh mẽ.

Ông Bể kể lại: Ngày 7/2/1951, tôi xung phong đi bộ đội, được biên chế thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, nhiệm vụ là lính thông tin, sau đó được phân công lên Bắc Giang học chính trị, rồi tham gia chiến đấu. Trong mỗi trận đánh, những người lính thông tin luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, khu vực nào đường dây bị đứt là phải có mặt để nối lại để bảo đảm mọi thông tin, lệnh, chỉ thị của cấp trên được truyền đi nhanh chóng và kịp thời, giữ bí mật để phục vụ công tác triển khai chiến thuật, phương án tác chiến.

Khi được hỏi về những trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Bể nhớ lại: Trận đánh đồi A1 luôn in đậm trong trí nhớ của tôi, đây là cứ điểm quan trọng nhất trong hệ thống bảo vệ khu trung tâm chỉ huy Mường Thanh. Tại đây, địch đã bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố và cả xe tăng để phòng thủ. 14 giờ chiều ngày 6/5/1954, pháo tại các trận địa của ta đồng loạt bắn vào đồi A1, sân bay Mường Thanh và cứ điểm Hồng Cúm yểm trợ cho bộ binh tấn công khu trung tâm Mường Thanh. Tại đồi A1, quân địch chống trả quyết liệt, có thời điểm ta và địch giành nhau từng tấc đất, nhiều chiến sĩ của ta hy sinh, nhưng sau khi quả bộc phá hơn 1.000 kg của ta nổ đã làm quân địch mất tinh thần. Sáng sớm ngày 7/5/1954 quân địch ở một số cứ điểm bảo vệ khu trung tâm chỉ huy Mường Thanh đã kéo cờ trắng xin hàng.

Câu chuyện của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa về những tháng năm lịch sử làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn rất nhiều. Nhưng điểm chung nhất trong các ông đều là những con người quả cảm, có tình yêu quê hương, đất nước, là niềm tự hào của dân tộc và tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
  • 'Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Kinh tế -
    Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, livestream bán hàng đã tạo nên một làn sóng mới trong thương mại điện tử, nhất là bán sản phẩm nông sản. Với tính tương tác cao, khả năng giới thiệu sản phẩm chi tiết và minh bạch, livestream đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho nông sản.