70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức của những thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn in đậm về những ngày tháng hào hùng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch lên chiến trường Điện Biên Phủ. Không để một giờ “mạch máu giao thông ngừng chảy”, những thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu, góp sức làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tại trụ sở Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Sơn La, chúng tôi trò chuyện với ông Vũ Xuân Hải, Chủ tịch Hội, về tinh thần “đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên” của lực lượng TNXP trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Không giấu niềm tự hào, ông Hải tâm sự: Tham gia chiến dịch này có khoảng 16.000 đội viên TNXP, trong đó có nhiều người là con em các dân tộc tỉnh Sơn La. Trong những ngày tháng oanh liệt đó, các TNXP Sơn La đã cùng với những đội viên TNXP Đội 34 và Đội 40 của Tổng đội TNXP, sát cánh cùng quân và dân có mặt trên khắp chiến trường, nhất là tại những nơi “túi bom, chảo lửa” như cầu Tà Vài, Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin... Chiến đấu dưới làn mưa bom, bão đạn, luôn cận kề với sự hy sinh, nhưng họ đã vượt lên tất cả hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi “TNXP có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”.
Trong chiến dịch năm ấy, cầu Tà Vài, huyện Yên Châu, là một trong những điểm giao thông quan trọng, bởi bộ đội, dân công và việc vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm từ Hòa Bình, Mộc Châu lên phục vụ chiến dịch đều phải đi qua tuyến đường này. Thời điểm đó, cầu Tà Vài là chiếc cầu sắt, dài 60 mét, bắc qua suối Tà Vài tại km 278+200 trên đường 41 độc đạo (nay là QL6). Địch âm mưu ngăn chặn quân ta tại điểm nút giao thông này, nên từ đầu năm 1954, máy bay của Pháp đã thường xuyên bay đến đây để tìm vị trí cây cầu. Bảo đảm giao thông thông suốt trong bất cứ tình huống nào, 3 đại đội TNXP: C292, C297 và C407 được bố trí tại nút giao thông quan trọng này đã vượt lên gian khó, sẵn sàng hy sinh để mạch máu giao thông thông suốt, đưa đạn dược, quân lương tới được chiến trường Điện Biên Phủ.
Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những ngày tháng oanh liệt tham gia san lấp hố bom tại cầu Tà Vài, ông Vương Đình Chí, tổ 9, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, cựu TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cho biết: Thời gian ấy, địch ném bom rất ác liệt, đất, đá, cây cối bên đường đổ ập xuống mặt đường, lòng suối thành nhiều tầng, nhiều lớp. Chúng tôi dùng cuốc, xẻng nhanh chóng tạo đường đi mới; đan các rọ bằng nứa, bỏ đá cuội vào trong, rồi sắp rọ đá thành hàng hai bên lề đường, tận dụng những cây, cành bị bom đánh đổ bó lại và đặt ngang giữa 2 rọ đá tạo thành đường ngầm cho xe ô tô, xe thồ và bộ đội, dân công đi qua an toàn. Dù khó khăn, nguy hiểm, nhưng tất cả chúng tôi đều quyết tâm không để ách tắc giao thông.
Cách cầu Tà Vài trên 30 km, Ngã ba Cò Nòi nơi khắc ghi một thời chiến đấu oanh liệt, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của lực lượng TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nói chung và trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng. Ngã ba Cò Nòi thuộc huyện Mai Sơn, là giao điểm của đường 41 (nay là QL 6) từ Hà Nội lên Lai Châu và quốc lộ 13 (nay là QL 37) từ tỉnh Yên Bái sang.
Nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông, ngăn cản quân, dân ta hướng về chiến trường Điện Biên Phủ, từ tháng 3/1954, tại Ngã ba Cò Nòi, máy bay địch đã đánh phá ác liệt, có ngày chúng thả tới 300 quả bom các loại. Chúng ném bom rải thảm, kết hợp nhiều loại bom trong một trận nhằm tiêu diệt lực lượng và làm tê liệt tuyến giao thông của ta. Với khẩu hiệu “TNXP có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, sau mỗi trận địch đánh phá, các chiến sĩ TNXP vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom để khôi phục mặt đường... quyết tâm thông đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây đã có trên 100 chiến sĩ TNXP anh dũng hy sinh.
Bồi hồi xúc động khi kể với chúng tôi về những năm tháng hào hùng đó, ông Thái Hữu Hoành, tổ 11, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La - người đã “vào sinh, ra tử” tại cầu Tà Vài và Ngã ba Cò Nòi, cùng với đồng đội không để “một giờ nào mạch máu giao thông ngừng chảy”, trầm giọng: Ngày 14/3/1954, tại Ngã ba Cò Nòi, địch đánh phá ác liệt, thả không biết bao nhiêu quả bom, mặt đường chỉ là những hố bom chi chít; nhiều TNXP đã anh dũng hy sinh. Đại đội 292 TNXP từ cầu Tà Vài được điều động lên hỗ trợ trọng điểm Ngã ba Cò Nòi. Cùng với việc phá bom nổ chậm, san lấp hố bom để thông đường, chúng tôi còn tổ chức tìm di vật của đồng đội đã hy sinh, dù đó chỉ là những mảnh quần, mảnh áo, riêng tôi đã tìm được 1 cánh tay của đồng đội.
Đèo Pha Đin, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vì mọi chi viện sức người, sức của cho chiến trường Điện Biên Phủ cũng đều phải vượt đèo Pha Đin độc đạo này. Do vậy, địch tập trung đánh phá ác liệt cung đèo, máy bay địch hoạt động thường xuyên từ 5 giờ đến 17 giờ trong ngày, chúng đã thả bom nổ chậm, bom bươm bướm để sát thương bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến. Trung bình 1 ngày đèo Pha Đin hứng chịu 16 tấn bom các loại của địch. Với ý chí và lòng dũng cảm, các đội viên TNXP vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, dẫu phải hy sinh xương máu, các chiến sĩ vẫn không hề nao núng, cùng các đơn vị vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm bằng nhiều loại phương tiện, phục vụ kịp thời cho quân ta làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu”.
Thời gian qua đi, bây giờ trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 40 TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tuổi đời từ gần 90 trở lên. Tinh thần “thép” của họ trong những trận chiến năm xưa luôn là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho con cháu về ý chí cách mạng, về tinh thần Điện Biên Phủ mãi tỏa sáng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!