Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin là cung đường bị thực dân Pháp bắn phá ác liệt nhất. Song, với quyết tâm và tinh thần quả cảm, quân và dân ta đã giữ vững huyết mạch giao thông vận chuyển vũ khí và lương thực cho bộ đội từ Hòa Bình, Yên Bái qua Sơn La lên Điện Biên.
Ký ức mở đường
Đèo Pha Đin thuộc xã Phổng Lái nằm trên quốc lộ 6, dài 30 km, tiếp giáp theo hướng đông - tây giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên. Điểm cao nhất trên đèo là 1.648m so với mực nước biển. Đèo Pha Đin nằm trong tuyến huyết mạch tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men cho chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta.
Nhằm chặn đứng tuyến huyết mạch này, suốt 48 ngày đêm ròng rã, thực dân Pháp đã cho máy bay oanh tạc, đèo Pha Đin là địa điểm hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn mà quân Pháp đã thả xuống đây trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Đèo Pha Đin đã in dấu chân của hơn 8.000 thanh niên xung phong, công dân hỏa tuyến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” với hàng trăm lượt gánh gồng, tải đạn, chở gạo qua đây mỗi ngày.
Ký ức về một thời hào hùng đó vẫn in đậm trong tâm trí những dân công hỏa tuyến năm xưa. Trong ngôi nhà sàn khang trang của bà Quàng Thị É, bản Hua Nà, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, chúng tôi được nghe câu chuyện của nữ dân công hỏa tuyến năm xưa. Bà É nhớ lại: Tháng 3/1954, tôi và nhiều thanh niên ở huyện Thuận Châu xung phong đi dân công hỏa tuyến. Suốt ngày, đêm, máy bay địch liên tục đánh phá, sau mỗi đợt bom, mặt đường bị cày xới, hàng trăm dân công lại khẩn trương san lấp. Ngoài sửa đường, ban đêm chúng tôi tham gia vận chuyển lương thực từ đèo Pha Đin lên Tuần Giáo. Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng.
Còn ông Lường Văn Sinh, ở bản Cọ, xã Tông Cọ, năm nay đã 85 tuổi, là một trong số ít những dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ còn khỏe mạnh. Ông Sinh kể: Tháng 3/1954, tôi đi dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ sửa đường từ Mường Ẳng đến bản Co Chạy, Mường Bổn. Sau 3 tháng, tôi chuyển sang làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đưa thương binh về các trạm xá. Chiều ngày 7/5/1954, khi đang đưa thương binh về trạm chữa trị, được thông báo bộ đội ta chiến thắng, ai cũng vui mừng và hò reo. Bây giờ, những người đi dân công hỏa tuyến thời đó đều tuổi đã cao, nhiều người không còn nữa.
Nhịp sống dưới cung đèo huyền thoại
Trước đây, đèo Pha Đin dài 32 km và có khoảng 130 khúc cua hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một xe ô-tô đi qua. Nay cung đèo đã được nâng cấp, hạ độ dốc, rút ngắn còn 26 km với khoảng 60 khúc cua, mặt đường rộng gần gấp 2 lần so với trước.
Di chuyển từ trung tâm huyện Thuận Châu khoảng 30 phút, chúng tôi đến chân đèo Pha Đin. Ghé thăm xã Phổng Lái, cảm nhận đầu tiên về nơi đây là sự sầm uất với những ngôi nhà khang trang, cửa hàng tạp hóa tấp nập người mua bán; những đồi chè trải dài và các loại cây ăn quả.
Ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân trong xã tích cực phát triển kinh tế. Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, bà con đã chọn mô hình kinh tế phù hợp, nhất là phát triển cây chè. Chè ở đây được người dân Thái Bình mang lên trồng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực của xã. Ngoài ra, bà con còn trồng cây cà phê và một số cây ăn quả khác để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm. Năm 2015, Phổng Lái là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Thuận Châu.
Hiện nay, Phổng Lái duy trì 42 cơ sở sản xuất kinh doanh; 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 4 công ty trách nhiệm hữu hạn. Xã có 636 ha chè, 375 ha cây cà phê, 287 ha cây ăn quả các loại; chăm sóc 10.380 con gia súc, trên 30.000 con gia cầm các loại, hơn 2.000 đàn ong; quản lý, bảo vệ 5.528 ha rừng... Xã có 2 sản phẩm chè và mật ong được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,55%, đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao
Rời xã Phổng Lái, chúng tôi tiếp tục lên xã Mường É, nằm ở lưng chừng đèo Pha Đin. Tuyến đường đến trung tâm xã được rải nhựa phẳng phiu, đứng trên lưng chừng đồi nhìn xuống khung cảnh bản làng thật yên bình. Ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã, cho hay: Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp mới để nhân dân học và làm theo. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân. Các tổ chức đoàn thể hướng dẫn bà con đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất.
Hiện nay, nhân dân trong xã tập trung thâm canh, chăm sóc 267 ha cây ăn quả, 230 ha cây sơn tra, 165 ha cà phê và 256 ha cây chè; duy trì 2.660 con trâu, bò, 2.380 con lợn, 31.230 con gia cầm; quản lý bảo vệ hơn 4.174 ha rừng... Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 32,37%, cận nghèo còn 25,86%.
Với sự quân tâm của Đảng, Nhà nước và định hướng cụ thể của cấp ủy, chính quyền địa phương nhân dân các xã dưới chân đèo Pha Đin hôm nay đang chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.
Điểm du lịch hấp dẫn
Đèo Pha Đin được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc, được thiên nhiên ưu ái khí hậu trong lành, thiên nhiên hùng vĩ. Tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế, ngày 12/3/2024, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 11 thông qua Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin, nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo điểm tham quan, du lịch hấp dẫn; đẩy mạnh thu hút đầu tư, từng bước phát triển du lịch đèo Pha Đin trở thành khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Thăm khu du lịch Pha Đin Top của HTX du lịch Pha Đin, xã Phổng Lái, du khách được giới thiệu về các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, lưu giữ khoảnh khắc bên những vườn hoa sắc màu và được tìm hiểu lịch sử cung đèo Pha Đin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Anh Bùi Ngọc Thắng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Pha Đin không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có yếu tố địa lý độc đáo, nên chúng tôi quyết định đầu tư phát triển du lịch quy mô 9,6 ha, gồm rừng sinh thái, vườn hoa, dịch vụ ăn và nghỉ, tạo điểm nhấn đối với du khách. Từ đầu năm đến nay, khu du lịch đón 200.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Chị Trần Thị Nụ đến từ thành phố Hà Nội, chia sẻ: Trên cung đường lên Điện Biên, chúng tôi được tận hưởng cảnh sắc, khí hậu tuyệt vời, thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp của đèo Pha Đin.
Với giá trị lịch sử to lớn, đèo Pha Đin được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát tổng thể khu vực đèo Pha Đin (địa phận Sơn La) và cho chủ trương triển khai thực hiện hệ thống quy hoạch mặt bằng Khu di tích lịch sử văn hóa đèo Pha Đin, trong đó có xây dựng Đền thờ liệt sĩ. Ngày 26/4, Đền thờ liệt sĩ tại khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin được khánh thành, là công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Công trình hoàn thành đưa vào hoạt động, đã cụ thể hóa các chủ trương của Tỉnh ủy; các định hướng trong quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch đèo Pha Đin. Hình thành điểm nhấn về văn hóa, tâm linh, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, thúc đẩy du lịch Sơn La phát triển.
70 năm trôi qua, đèo Pha Đin vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu tiếp tục đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!