Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 14-4-1954, ta từng bước bóp chết “con nhím Điện Biên Phủ"

Nhìn chung, sau đợt tiến công vào các điểm cao phía Đông, chiến trường nhiều lúc gẫn như yên tĩnh. Cái yên tĩnh này không đáng sợ so với những tiếng cuốc đào đất bất kể đêm ngày rậm rịch xung quanh, mỗi lúc càng rõ. Tiếng cuốc chính là tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo tử "con nhím Điện Biên Phủ".

Về phía địch: Ở Điện Biên Phủ, De Castries nhận được điện của Cogny báo cho biết kế hoạch "Côngđo" sẽ được thực hiện với 4 tiểu đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tá Godard. Theo kế hoạch này, đến ngày 20-4 thì lực lượng của Godard sẽ tiến đến vùng Mường Khoa - Pắc Luông thuộc lưu vực sông Nậm Hu.

Sáng ngày 14-4-1954, toán địch đầu tiên đi tuần trên sân bay, chợt nhận thấy đường hào ở phía Tây đã bị cắt đứt liên lạc giữa cứ điểm 206 và cứ điểm 105 với khu trung tâm. Một mũi hào khác đâm thẳng vào sân bay Mường Thanh. Không chỉ có vậy, cứ điểm 206 còn báo cáo mặt Tây cứ điểm đã bị chiến hào của đối phương bao vây. Buổi trưa, những đơn vị dù 6 và 8 thử mở đường tới cứ điểm 206, nhưng bị chặn lại trước những bãi mìn mới rải và những loạt súng cối.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 14-4-1954, ta từng bước bóp chết “con nhím Điện Biên Phủ"

Giao thông hào của quân ta cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. Ảnh tư liệu TTXVN 

13 giờ 30 phút, De Castries điện cho Cogny: "… Số phận của G.O.N.O (Binh đoàn tác chiến Tây Bắc) sẽ được định đoạt trước ngày 10-5… Trận địa phát triển đe dọa Huguette 1 và Huguette 6. Mưu toan giải tỏa Huguette 1 tiến hành sáng nay vấp phải nhiều bãi mìn giữa Huguette 1, Huguette 3, Huguette 5, hỏa lực súng cối và pháo binh. Sẽ tiếp tục khi trời tối, đồng thời với việc sữa chữa đường băng…".

Chiều 14-4, một sự cố đã xảy ra. Trong lúc những chiếc xe vận tải, xe Jeep cuối cùng dồn tới Epecvia để nhận số lương thực mới thả dù tập trung tại đây để chở đi phân phối cho các nơi thì một loạt đại bác của ta rót trúng khu vực. Nhiều thứ lương thực, trong đó có 5.800 suất ăn chiến đấu, 300kg pho mát, 700kg chè, 450kg muối… đều bị bốc cháy. Ngày hôm đó tập đoàn cứ điểm công bố dự kiến từ ngày 29-4, khẩu phần ăn của mỗi người sẽ giảm xuống một nửa.

Về phía ta: Theo kế hoạch, hai trung đoàn của Đại đoàn 308 và hai trung đoàn của Đại đoàn 312 được triển khai xung quanh phía Bắc sân bay. Cứ điểm 206 bảo vệ phía Tây sân bay đã bị chiến hào của Trung đoàn 36 cắt rời khỏi Mường Thanh. Cứ điểm 105 ở phía Bắc sân bay cũng bị chiến hào của Trung đoàn 165 bao vây. Hai mũi chiến hào của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đang nhanh chóng đâm thẳng vào giữa sân bay.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 14-4-1954, ta từng bước bóp chết “con nhím Điện Biên Phủ"

Trận địa hào được xây dựng vào ban đêm, ngụy trang rất kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự đánh phá của Pháp. Ảnh tư liệu TTXVN

Nhìn chung, sau đợt tiến công vào các điểm cao phía Đông, chiến trường nhiều lúc gần như yên tĩnh. Cái yên tĩnh này không đáng sợ so với những tiếng cuốc đào đất bất kể đêm ngày rậm rịch xung quanh, mỗi lúc càng rõ. Tiếng cuốc chính là tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo tử "con nhím Điện Biên Phủ". Bộ Chỉ huy Pháp rất sợ tiếng cuốc này, nên đã thả dù xuống Mường Thanh một số máy phát hiện tiếng đào đất. Nhưng binh lính Pháp ở đây không cần tới chúng vì không có máy họ vẫn nghe rất rõ những tiếng cuốc. Họ chỉ cần cái gì có thể ngăn những người đào đất tiếp tục công việc của mình.

Suốt ngày đêm, từng giờ, những chiến hào nổi, chiến hào ngầm của bộ đội ta nhích dần gần đến phân khu trung tâm. Từ những đầu hào chỉ cách địch vài chục mét, các chiến sĩ ta dùng súng ĐKZ bắn sập những lô cốt, ụ súng.

Chiến hào tiến vào gần còn mang cho kẻ địch nhiều tai họa khác. Hàng rào dây thép gai và bãi mìn của cứ điểm lúc này lại trở thành những chướng ngại vật bảo vệ an toàn cho chính những người tiến công. Các tổ thiện xạ tìm những vị trí bất ngờ, không tha bất cứ một tên địch nào ló đầu ra khỏi công sự. Việc đi lấy nước dưới sông Nậm Rốm trở thành vô cùng khó khăn. Có những tên địch ở ngay bờ sông cũng không dám xuống lấy nước. Chúng ngồi ở trong công sự quăng những chiếc can xuống sông, rồi dùng dây kéo lên. Chiến sĩ bắn tỉa bắn vào can. Chúng chỉ thu về chiếc can rỗng.

THÀNH VINH (lược trích)

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.

2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ-Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.

5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.

Theo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới