Yên Châu bốn mùa trái ngọt

Ngày đầu xuân mới, chúng tôi đến thăm các mô hình nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Yên Châu. Thật đáng mừng khi những người nông dân ở đây đã và đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm với nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả, tạo các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh.

Thăm vườn mận của gia đình ông Trần Quốc Huy, bản Yên Thi 1, xã Phiêng Khoài, ông khoe: Gia đình tôi áp dụng kỹ thuật sản xuất mận trái vụ, hiện nay vườn mận đã đậu quả sớm hơn 2 tháng so với mận chính vụ. Gia đình đã đầu tư hệ thống tưới ẩm cài đặt định vị qua điện thoại, nhờ đó mà 4 ha mận luôn duy trì độ ẩm và dinh dưỡng phù hợp, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, quả ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập trên 600 triệu đồng từ mận chín sớm.

Nông dân xã Phiêng Khoài thu hoạch bưởi diễn.

Không chỉ là xã có diện tích mận lớn nhất huyện Yên Châu, xã Phiêng Khoài còn có nhiều hộ áp dụng kỹ thuật chiết, ghép và chăm sóc mận theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư hệ thống phun tưới ẩm, tạo ra quả mận trái vụ, cho thu nhập cao hơn so với mận chính vụ. Trong tổng số 1.300 ha mận toàn xã thì các hộ dân đã áp dụng trồng trái vụ hơn 200 ha, được bán với giá cao gấp đôi, gấp ba so với mận chính vụ. Nhiều hộ thu nhập từ mận 500-700 triệu đồng/năm.

Ngoài cây mận, cây lê Tai Nung đã bén rễ ở vùng đất Phiêng Khoài là minh chứng cho sự năng động của người dân. HTX Kiên Cường có 7 thành viên trồng 20 ha lê Tai Nung. Anh Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc HTX, thông tin: Xác định việc sản xuất phải đặt yếu tố chất lượng sản phẩm, an toàn với người tiêu dùng và cả người sản xuất lên hàng đầu, HTX đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 100% diện tích; sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để chăm bón; bao trái để quả lê có mẫu mã đẹp. Do đó, năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha/năm; sản lượng mõi năm hơn 200 tấn và được thương lái từ Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng đến thu mua, giá bình quân 50.000 đồng/kg, thu lãi hơn 5 tỷ đồng/năm.

Nông dân xã Chiềng Hặc thu hoạch chuối. 

Bắt nhịp xu thế của nền sản xuất nông nghiệp sạch, huyện Yên Châu đã lựa chọn HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc là đơn vị đầu tiên để triển khai thí điểm mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ. Đến nay, các thành viên HTX đều nắm vững kỹ thuật sản xuất, 20/25 ha nhãn, xoài của HTX được áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP. Các sản phẩm ngày càng nâng cao về sản lượng, chất lượng, được đưa vào các siêu thị lớn trên toàn quốc và xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ, Trung Quốc. Anh Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, cho biết: Sau hơn 10 năm hoạt động, việc sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP đã mang lại hiệu quả, thu nhập của các thành viên HTX đạt 200 triệu đồng/năm. HTX đã thực hiện nghiêm việc ghi chép thông tin nguồn gốc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, áp dụng kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc và thu hoạch sản phẩm.

Bức tranh nông nghiệp huyện Yên Châu đang ngày càng khởi sắc, bốn mùa hoa trái, toàn huyện có trên 11.500 ha cây ăn quả; trong đó, 787 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 985 ha được cấp mã số vùng trồng; sản lượng quả tươi hơn 48.600 tấn/năm; giá trị sản phẩm đã tiêu thụ đạt trên 485 tỷ đồng. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết với các đơn vị xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm có sử dụng camera kết nối mạng Internet để theo dõi trực tiếp quy trình sản xuất. Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tích cực tuyên truyền, vận động thành lập HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 64 HTX nông nghiệp, gần 1.200 thành viên; một số HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây ăn quả với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, như: HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng; HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc; HTX nông nghiệp Hoa Mơ, xã Yên Sơn; HTX Hương Xoài, xã Tú Nang... Năm 2022, huyện tiêu thụ trên 54.450 tấn quả; xuất khẩu 1.390 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu đạt hơn 20,8 tỷ đồng; xuất khẩu 204 tấn nhãn chín muộn sang các thị trường Anh, Úc, Hà Lan, giá trị xuất khẩu đạt gần 6,2 tỷ đồng.

Sản phẩm mận hậu có chất lượng tốt của người dân huyện Yên Châu.

Trước thềm xuân mới, ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thông tin: Huyện đang chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để vùng đất “chuối ngọt, xoài thơm” chuyển mình mạnh mẽ, các sản phẩm quả chất lượng cao của huyện sẽ đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới