Khi công trình thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước, nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện Quỳnh Nhai ngập dưới lòng hồ, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng ngàn hộ dân. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, nỗ lực của nhân dân, huyện Quỳnh Nhai đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập cho nhân dân.
.jpg)
Cụ thể hóa mục tiêu “đồng bào di chuyển đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai các giải pháp cụ thể mang tính bền vững. Ông Cầm Văn Huy, Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Huyện đã định hướng khai thác điều kiện tự nhiên, tiềm năng lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, các xã vùng dọc sông Đà khai thác mặt nước, nuôi, đánh bắt thủy sản và trồng cây ăn quả. Đối với 2 xã Mường Giôn và Chiềng Khay tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng và bảo vệ rừng. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, chủ động phối hợp tháo gỡ đầu ra cho nông sản hàng hóa.
Khai thác tiềm năng hơn 10.500 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai tập trung hỗ trợ, vận động nhân dân phát triển nghề nuôi và đánh bắt thủy sản. Ngay từ năm 2010, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của chương trình 30a hỗ trợ người dân thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng. Đến nay, toàn huyện duy trì 275 ha mặt nước nuôi thủy sản và trên 4.500 lồng nuôi cá. Tổng sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 1.800 tấn, trong đó, sản lượng cá nuôi 1.300 tấn, sản lượng đánh bắt 500 tấn.
Việc phát triển nghề nuôi, đánh bắt thủy sản đã góp phần giải quyết bài toán về thiếu đất sản xuất, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX thủy sản Chiềng Bằng, một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng trên lòng hồ, thông tin: HTX thủy sản Chiềng Bằng hiện có 42 thành viên, đều là nông dân trong xã, tham gia nuôi 580 lồng cá. Bình quân mỗi năm, HTX bán khoảng 100 tấn cá thương phẩm, doanh thu trên 8 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quỳnh Nhai tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ nhân dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Huyện đã rà soát diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả tập trung; xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 1.946 ha cây ăn quả các loại, sản lượng bình quân hằng năm đạt 4.800 tấn.
Đặc biệt, từ năm 2018, huyện Quỳnh Nhai bắt đầu đưa cây mắc ca vào trồng thử nghiệm. Sau hơn 5 năm, cây mắc ca đã và đang được nhân rộng tại nhiều xã, bản, phủ xanh đồi đất trống, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc. Đến nay, toàn huyện Quỳnh Nhai đã trồng trên 305 ha, trong đó, có khoảng 20 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở xã Mường Chiên, Mường Giôn và một số diện tích tại Chiềng Khay, Chiềng Khoang, Chiềng Ơn. Theo đánh giá, cây mắc ca thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt; trung bình 1 ha có thể cho thu từ 7,5-8 tấn quả tươi; với giá bán 70 nghìn đồng/kg quả loại 1; 30 nghìn đồng/kg quả loại 2, sẽ mang lại thu nhập cao cho người trồng mắc ca.
Là một trong những HTX đi đầu trong trồng cây mắc ca tại huyện Quỳnh Nhai, ông Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc HTX Mường Giôn, chia sẻ: Toàn bộ 200 ha cây mắc ca của HTX hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt và chuẩn bị cho quả, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho HTX trong thời gian tới.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đang được huyện chỉ đạo triển khai hiệu quả. Trong đó, tập trung hỗ trợ chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt, kết hợp với chăn thả. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cải tạo giống; hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Hiện nay, toàn huyện duy trì và phát triển đàn trâu, bò với hơn 36.300 con, đàn dê gần 20.000 con, đàn lợn trên 50.000 con và hơn 356 nghìn con gia cầm. Năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 2.290 tấn.
Nhân rộng và phát triển đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến và lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, trồng rừng,... hình thành vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm một số loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!