Phát huy lợi thế khí hậu, đất đai màu mỡ, cấp ủy, chính quyền xã Tân Yên, thị xã Mộc Châu, đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập trung, hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đảng bộ xã Tân Yên đã lựa chọn khâu đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; hình thành, phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây chè, vùng rau, củ, quả an toàn, thức ăn thô xanh cho bò; phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao.
Cụ thể hóa khâu đột phá, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thị xã tổ chức các lớp tập huấn, giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; đưa những cây, con giống mới, năng suất cao vào sản xuất, chú trọng phát triển các loại cây trồng chủ lực, như: Chè, mận, cam, hồng giòn, ngô sinh khối... Các tổ chức đoàn thể của xã phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho 1.679 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ trên 99 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Yên, cho biết: Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã đã triển khai các dự án, chương trình, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp, như: Trồng cây ăn quả trên đất dốc; trồng dứa Queen; ngô sinh khối và nuôi cá lồng... Hiện nay, xã đang duy trì hơn 1.500 ha cây ăn quả; 430 ha ngô sinh khối; 80 ha rau màu; 20 ha trồng dâu nuôi tằm; 145 lồng cá và thâm canh 271 ha chè; giá trị trên đơn vị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 70 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2%.

Sau 2 năm triển khai, mô hình trồng ngô sinh khối trên địa bàn xã đã mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cho bà con nông dân. Từ 35 ha ngô sinh khối năm 2023, của 47 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình, đến nay, toàn xã đã mở rộng lên hơn 430 ha. Ông Mùi Văn Chiệng, bản Nà Mường, xã Tân Yên, cho biết: Gia đình tôi trồng 1,6 ha trồng ngô sinh khối; tham gia mô hình, được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Cây ngô sinh khối có thời gian thu hoạch ngắn, khoảng 3 tháng/vụ, một năm có thể trồng 2 vụ, năng suất khoảng 23 tấn/ha, với giá bán bình quân gần 2.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 20 triệu đồng/ha.
Là điểm sáng trong phát triển cây chè và du lịch cộng đồng, bản Dọi hiện có trên 100 ha chè. Ông Vì Văn An, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Bản đã liên kết với HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập, hướng dẫn các hộ áp dụng quy trình thâm canh cây chè ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phân bón; cam kết thu mua chè búp tươi với giá ổn định. Nhờ đó, các hộ trồng chè trong bản yên tâm gắn bó với cây chè. Bên cạnh đó, bản còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm vườn chè, mận, cam, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhân dân.

Xây dựng những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương là tiền đề để xã Tân Yên tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết. Đồng thời, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nhân dân nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!