Với sự tiện lợi, giá hợp lý, sản phẩm phong phú, có thể điều chỉnh theo khẩu vị, bởi vậy thực phẩm handmade thu hút người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Thời điểm này, cơ sở sản xuất bánh chưng của gia đình bà Đặng Thị Hường, tổ 2, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La hoạt động hết công suất để kịp trả đơn hàng cho khách. Bà Hường cho biết: Gia đình tôi làm dịch vụ gói bánh chưng theo yêu cầu đã nhiều năm nay.
Dịp Tết Nguyên đán, gia đình huy động tối đa nhân lực để làm bánh. Từ ngày 23 tháng 12 (âm lịch) đến nay, gia đình tôi đã nhận gói trên 1.000 chiếc bánh để phục vụ khách hàng dịp Tết. Năm nay, tôi tăng cường quảng bá sản phẩm trên qua mạng xã hội. Nhờ đó, không chỉ khách hàng trên địa bàn thành phố mà còn nhiều khách hàng từ các huyện đặt mua.

Theo bà Hường, để có những chiếc bánh chưng thơm ngon trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cơ sở chú trọng lựa chọn nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc rõ ràng, gạo nếp thơm ngon, hạt tròn đều, căng bóng; đậu xanh có màu vàng đẹp, khi đồ lên phải tơi bở, thơm; nhân thịt lợn nuôi tại địa phương, tươi ngon; các gia vị được lựa chọn cẩn thận, khi trộn với nhau tạo nên mùi thơm đặc trưng.

Thực phẩm handmade (làm thủ công bằng tay) dần có xu hướng lên ngôi đối với những người tiêu dùng không có nhiều thời gian nội trợ hay chưa đủ kỹ năng chế biến, nhất là vào dịp lễ, Tết. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên không chỉ các chợ truyền thống tấp nập người mua bán, mà cả chợ online cũng sôi động, nhộn nhịp hơn.
Chị Đinh Thị Nhung, tổ 4, phường Quyết Thắng, cho biết: Trước đây, vào dịp Tết, gia đình tôi gói bánh chưng, tuy nhiên, vài năm trở lại đây do bận công việc nên tôi thường đặt bánh sẵn. Tôi thường tìm mua bánh chưng của cơ sở có uy tín và kinh nghiệm vì rất thích vị bánh chưng truyền thống, bánh rền, vỏ có màu xanh đẹp mắt, nhân bánh đậm đà. Chỉ cần lên mạng, tìm các địa chỉ uy tín, nhắn tin hoặc gọi điện đặt hàng, bánh sẽ được ship đến tận nhà.

Là một trong những đặc sản nổi tiếng của Tây Bắc, thịt gác bếp không chỉ là món ăn ưa thích mà còn là sản phẩm được nhiều người lựa chọn làm quà biếu. Năm nay, gia đình chị Hoàng Ánh Thêu, bản Ka Láp, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La đã đầu tư thêm máy sản xuất và đóng gói, đồng thời cải tiến mẫu mã bao bì để vừa đảm bảo mỹ quan và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Hoàng Ánh Thêu, cho biết: Đảm bảo các đơn hàng lớn trong dịp Tết, chúng tôi đã huy động nhân lực, tăng khối lượng sản xuất, trung bình mỗi ngày chế biến từ 3 - 5 tạ thịt, tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Làm số lượng lớn, nhưng chúng tôi vẫn phải tự tay chọn mua thịt tươi ngon về sơ chế, tẩm ướp và sấy theo quy trình cẩn thận, tỉ mỉ. Thịt sấy cung cấp ra thị trường luôn đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm và có hương vị đặc trưng riêng của người Thái. Ngày Tết, giá các mặt hàng có tăng nhẹ, thịt lợn khô có giá từ 400.000-500.000đồng/kg, thịt trâu, bò khô có giá 800.000-900.000 đồng/kg.

Dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mọi gia đình đều mong muốn mua sắm, chăm lo đủ đầy. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng tích cực sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng hoá phục vụ khách hàng. Dù là sản phẩm được sản xuất theo mô hình công nghiệp hay handmade, người tiêu dùng đều cân nhắc, thông thái khi lựa chọn sản phẩm uy tín, chất lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khoẻ của bản thân, gia đình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!