Xây dựng vùng trồng cây ngô sinh khối, gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững được huyện Mộc Châu quan tâm triển khai thực hiện. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, diện tích trồng ngô sinh khối từng bước được mở rộng, góp phần tăng giá trị kinh tế, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trên địa bàn.
Tiềm năng phát triển ngô sinh khối
Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp để ủ ướp làm thức ăn cho trâu, bò, chủ yếu là đàn bò sữa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có trên 25.000 con bò sữa, bình quân một con bò sữa cần khoảng 30 kg ngô ủ/ngày, nhu cầu ngô sinh khối khoảng 200.000 tấn/năm. Trong đó, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu sản xuất được khoảng 30.000 tấn, còn lại phải thu mua khoảng 170.000 tấn ở các huyện trong tỉnh và các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Năm 2023, tổng diện tích trồng ngô của huyện Mộc Châu trên 10.200 ha, trong đó diện tích trồng cây ngô sinh khối hơn 1.800 ha, tập trung ở những vùng thuận lợi về địa hình và đường xe vận chuyển, như: Thị trấn Nông Trường Mộc Châu và các xã Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập, Phiêng Luông, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa; tổng sản lượng ngô sinh khối đạt trên 67 nghìn tấn. Hiện nay, đàn gia súc, nhất là đàn bò sữa của huyện Mộc Châu tăng mạnh, do đó nhu cầu thức ăn từ sản phẩm ngô sinh khối là rất lớn.
Là người nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh đã giới thiệu Công ty cổ phần ngô sinh khối Việt Nam tham gia chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình trên địa bàn huyện Mộc Châu. Đồng chí Hoàng Văn Chất chia sẻ: Tiềm năng, lợi thế trồng ngô sinh khối ở Mộc Châu rất lớn, nhưng sản lượng chưa đủ phục vụ nhu cầu của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Tôi đã tư vấn cho huyện Mộc Châu lựa chọn xã Tân Hợp xã vùng lòng hồ còn nhiều khó khăn, có lợi thế về đất đai, lao động để phát triển cây ngô sinh khối.
Từ gợi ý và giới thiệu của đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, đầu năm 2023, huyện Mộc Châu đã triển khai mô hình trồng ngô sinh khối ở bản Nà Sánh và Nà Mường, xã Tân Hợp, với 47 hộ tham gia, diện tích trồng gần 35 ha. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ gần 80 triệu đồng; Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hỗ trợ 207 tấn phân, Công ty cổ phần ngô sinh khối Việt Nam ứng trước giống, vật tư, hỗ trợ nhân công và máy bay phun phòng trừ sâu keo mùa thu, mô hình bước đầu cho tín hiệu rất khả quan.
Ông Đinh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, thông tin: Qua mô hình trồng thử nghiệm năm 2023 cho thấy cây ngô sinh khối có thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 85-90 ngày), một năm có thể trồng 2 vụ; ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh, mật độ cây trồng dày hơn, trung bình 1 ha ngô sinh khối cho thu hoạch khoảng 23 tấn, với giá bán bình quân 1.950 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người dân thu lợi khoảng 18 triệu đồng/ha, cao hơn 6 triệu đồng/ha so với trồng ngô lấy hạt. Từ hiệu quả mô hình trồng thí điểm, năm 2024 xã phấn đấu trồng 500 ha ngô sinh khối, vượt chỉ tiêu huyện giao 365 ha, hiện xã đã làm việc với các bản để lên kế hoạch trồng ngô sinh khối cụ thể, chi tiết.
Liên kết phát triển bền vững
Với những tín hiệu tích cực, cây ngô sinh khối đang là lựa chọn phù hợp của nhiều hộ dân, nhiều địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là các xã vùng hạ huyện, vùng dọc sông Đà, vùng cao biên giới bởi điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, địa hình), trình độ canh tác, khả năng đầu tư của người dân ở khu vực này không có nhiều lựa chọn và lợi thế khi xác định đối tượng chuyển đổi. Sản xuất cây ngô sinh khối sẽ mang lại hiệu quả thu nhập cao hơn so với sản xuất ngô hạt nếu tổ chức sản xuất, đầu tư thích hợp.
Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện đã chỉ đạo phát triển diện tích trồng ngô sinh khối, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, rà soát và triển khai quy hoạch vùng trồng ngô sinh khối khoảng 3.500 ha, với khoảng 7.000 hộ tham gia; trong đó, tập trung mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối tại các xã ven hồ sông Đà có diện tích đất dốc kém hiệu quả, khó canh tác và cơ giới hóa; tiếp tục làm việc với các công ty triển khai chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối.
Năm 2024, huyện Mộc Châu phấn đấu trồng trên 2.100 ha ngô sinh khối, sản lượng đạt 40 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 90.000 tấn. Huyện sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình trồng ngô sinh khối trên đất dốc tại 7 xã, gồm: Hua Păng, Nà Mường, Tà Lại, Tân Hợp, Quy Hướng, Lóng Sập, Chiềng Khừa, mỗi xã hỗ trợ xây dựng mô hình với diện tích 10 ha, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Đồng thời, xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối bền vững với sự tham gia của các HTX và trên 500 hộ chăn nuôi bò sữa.
Ông Nguyễn Sỹ Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, cho biết: Ngoài thức ăn tinh, thì thức ăn thô từ ngô ủ ướp rất quan trọng trong việc nâng cao sản lượng, chất lượng sữa. Công ty cam kết với huyện Mộc Châu và các xã đảm bảo thu mua hết sản phẩm ngô ủ ướp của bà con và tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu.
Có thể khẳng định, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối đang mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cho bà con nông dân ở Mộc Châu. Ngoài giảm thiểu rủi ro do điều kiện thời tiết, mô hình này còn có thể tăng số vụ sản xuất so với ngô lấy hạt, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Cùng với sự phát triển của chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các gia súc ăn cỏ, việc phát triển diện tích trồng ngô sinh khối cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn gia súc sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo lập và duy trì các liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!