Đẩy mạnh phong trào thi đua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Sông Mã đã nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao đời sống cho hội viên.
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Sông Mã có trên 17.900 hội viên, sinh hoạt tại 19 cơ sở hội. Triển khai phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hằng năm, Hội tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân khai thác tiềm năng về đất đai, lao động tại địa phương, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu.
Ông Lê Văn Quân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Từ năm 2023 đến nay, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 9 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, kỹ năng bán sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho 550 hội viên tại các xã trên địa bàn. Cử 100 hội viên tham dự diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên. Hướng dẫn 331 hội viên đưa nông sản trên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, tiêu thụ.
Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp, công ty cung ứng 890 tấn phân bón các loại, 100 tấn ngô giống, 450 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 8.225 tấn thức ăn chăn nuôi cho nông dân phát triển sản xuất. Nhận ủy thác hơn 147 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp 3.265 hội viên có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; thỏa thuận với Ngân hàng NN&PTNT giúp 20 hộ vay gần 2,6 tỷ đồng xây dựng các mô hình kinh tế; triển khai 16 dự án, cho 233 hội viên vay trên 7,7 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển sản xuất...
Được hỗ trợ về vốn, giống, sự giúp đỡ tích cực của hội nông dân các cấp, nhiều hội viên trên địa bàn huyện đã tích cực học hỏi, từng bước áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng cây ăn quả chuyên canh, phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Nổi bật là các mô hình: Trồng nho hạ đen, nhãn chín sớm, nhãn ánh vàng, bưởi da xanh, xoài ghép; phát triển mô hình lúa nếp tan lương, vùng nguyên liệu dứa Queen; mô hình nuôi gà đẻ trứng; nuôi gà thả vườn liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, nông dân trong toàn huyện đang tập trung gieo trồng trên 17.700 ha cây lương thực có hạt; hơn 10.700 ha cây ăn quả, đạt sản lượng trên 98.400 tấn/năm... Huyện đã có 48 mã số vùng trồng nhãn, với hơn 481 ha; 47 HTX và 1 công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP; 50 chuỗi liên kết, với trên 900 ha nhãn. Duy trì 2 làng nghề, hơn 2.990 lò sấy long nhãn. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng tiêu thụ cây ăn quả của huyện trên 7.820 tấn, giá trị ước đạt hơn 65 tỷ đồng. Một số quả bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, như: Xoài, chuối, dứa, nhãn chín sớm…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hội viên đã thành lập HTX, tổ hợp tác xã đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Toàn huyện có trên 164.500 con gia súc, đại gia súc trên 2 tháng tuổi và gần 97.000 con gia cầm.
Năm 2023, huyện Sông Mã có 2.580 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Điển hình là gia đình hội viên Lê Thanh Nghị, bản Te Tiến, xã Chiềng Sơ, đã thành công với mô hình nuôi lợn theo hướng trang trại kết hợp trồng cây ăn quả trên diện tích đất đồi. Năm 2023, gia đình anh được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Anh Nghị chia sẻ: Năm 2020, gia đình tôi dành dụm vốn đầu tư nuôi lợn hàng hóa. Hằng năm, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Chất thải từ nuôi lợn được sử dụng bón cho cây nhãn ghép, nhờ đó, năm nào cũng sai quả. Mỗi năm, gia đình xuất bán từ 20-25 tấn lợn thương phẩm, 10-12 tấn quả nhãn tươi, thu gần 500 triệu đồng/năm.
Tại bản Nà Lứa, xã Mường Hung, chúng tôi được anh Quàng Văn Hính dẫn đi thăm vườn nhãn trồng theo hàng thẳng tắp, các tán nhãn được cắt tỉa gọn gàng. Anh Hính bảo: Hiện nay, gia đình tôi đang thu hoạch nhãn chín sớm, năm nay, thời tiết bất lợi, 1ha cho thu hoạch hơn 12 tấn, nhưng bán lại cao hơn năm trước, với 30.000 đồng/kg. Gia đình tôi còn trồng 2ha nhãn chín muộn; 1ha xoài, bưởi da xanh, ổi. Hằng năm, thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Năm 2022, 2023, gia đình tôi được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân Sông Mã, giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng biên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!