Nghiên cứu thị trường xuất khẩu các mặt hàng trái cây

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu thuận lợi, tỉnh ta đã quy hoạch những vùng chuyên canh cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh đã được cấp 293 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 3.140 ha cây ăn quả và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu 46.000 tấn quả các loại sang thị trường Australia, New Zealand, Trung Quốc, EU... Năm 2023, toàn tỉnh đã xuất khẩu 8.000 tấn xoài, 4.500 tấn nhãn, 1.000 tấn chanh leo..., tổng giá trị đạt hơn 25 triệu USD.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm thanh long của HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn.

Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ logistics mới chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ và dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ), đóng gói, phân tích và kiểm định kỹ thuật chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh... Điều này khiến cho việc xuất khẩu các loại trái cây của địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường khó tính như châu Âu.

Từ thực tế trên, năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Trường đại học Thương mại là đơn vị chủ trì cho đề tài “Nghiên cứu thị trường và dịch vụ logistic đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây của tỉnh Sơn La sang thị trường một số nước châu Âu”, với mục tiêu đề xuất xây dựng các chính sách, giải pháp thúc đẩy năng lực thu gom, chế biến phục vụ xuất khẩu các mặt hàng trái cây của tỉnh.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát tình hình sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực của tỉnh, gồm: xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu. Các sản phẩm quả của tỉnh bước đầu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn có quy mô nhỏ; số doanh nghiệp, HTX thực hiện dịch vụ xuất khẩu còn ít. Đối với những loại trái cây có tính thời vụ cao, như xoài, nhãn, mận hậu, đa số các doanh nghiệp, HTX chưa có đối tác tiêu thụ bền vững. Cùng với đó, việc thiếu các trung tâm logistics trọng điểm, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều chặng đến Hà Nội và các tỉnh biên giới phía Bắc để xuất khẩu, làm chi phí logistics tăng đến 30% giá thành sản phẩm, khiến trái cây Sơn La giảm sức cạnh tranh so với trái cây các nước Thái Lan, Trung Quốc...

Tiến sĩ Phạm Văn Kiệm, Phó trưởng bộ môn Logistics kinh doanh, Trường đại học Thương mại, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Nhóm đã đề xuất các giải pháp xây dựng hệ thống trang thiết bị phục vụ dịch vụ logistics đồng bộ các phương thức vận tải, kho bãi lưu trữ các mặt hàng trái cây, đặc biệt hướng tới vận tải container lạnh tại các địa phương, vùng trồng trọng điểm; xây dựng các chuỗi cung ứng xuất khẩu trái cây trên cơ sở thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu, tập đoàn thực phẩm, hoặc doanh nghiệp logistics lớn, chuyên nghiệp, định hình là doanh nghiệp trung tâm chuỗi. Từng bước tiến tới xây dựng trung tâm logistics trung chuyển hàng trái cây Sơn La xuất khẩu nói chung và sang thị trường châu Âu nói riêng tại huyện Mai Sơn giai đoạn 2025-2030.

Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA (tỉnh Hải Dương) là một trong những đơn vị xuất khẩu nhiều nông sản Sơn La sang thị trường châu Âu, như Nga, Hà Lan, Pháp, Bỉ. Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty, cho biết: Công ty phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân canh tác bền vững, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp lựa chọn HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười cung cấp sản phẩm nhãn Sông Mã và HTX nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc cung cấp sản phẩm mận hậu, xoài Yên Châu phục vụ xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp thu mua gần 100 tấn quả các loại xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh. Qua phản hồi đánh giá của thị trường, sản phẩm trái cây Sơn La chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu, Ban chủ nhiệm đề tài đã chuyển giao cho Công ty cổ phần cao nguyên Mộc Châu, huyện Mộc Châu và HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn về dữ liệu nghiên cứu thị trường và dự báo thị trường châu Âu trong thời gian tới; khả năng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu châu Âu; các chủ trương, mục tiêu của tỉnh Sơn La trong định hướng xuất khẩu các mặt hàng trái cây sang thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, chia sẻ: HTX có trên 200 ha thanh long; sản lượng gần 3.000 tấn/năm; 100% diện tích được trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP đảm bảo an toàn phục vụ xuất khẩu. Sau khi tham gia các buổi hội thảo, tập huấn do Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức, HTX có thêm những kiến thức trong quá trình trồng, sản xuất, bảo quản quả thanh long đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2023, HTX xuất khẩu trên 700 tấn thanh long sang thị trường Pháp, Ý, Hà Lan, giá bán ổn định 35.000 đồng/kg.

Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm trái cây của tỉnh tham gia xuất khẩu đạt 114 triệu USD, với những giải pháp của nhóm nghiên cứu đề tài sẽ là cơ sở để tỉnh Sơn La có những hoạch định về chính sách hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu, bảo đảm trái cây Sơn La đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu.

Bài, ảnh: Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới