Mường La chủ động chống hạn cho cây trồng

Thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít khiến mực nước trên các sông, suối, đầu mối các công trình cấp nước trên địa bàn huyện Mường La xuống rất thấp. Nhiều hồ chứa xuống dưới mực nước chết đã gây ra tình trạng hạn hán, không đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển, giảm năng suất cây trồng.

Giọng nữ
Nhiều diện tích ruộng lúa của xã Mường Bú bị hạn. 

Cùng đoàn công tác của xã Mường Bú và Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Mường La kiểm tra thực tế tại xã Mường Bú, trên cánh đồng nhiều diện tích ruộng nứt nẻ, khô hạn, cháy lá.

Bà Quàng Thị Địa, bản Mường Bú, buồn rầu: Gia đình tôi có 1.200m2  lúa, mặc dù năm nay gia đình đã chủ động mua máy bơm mini để hạn chế diện tích thiệt hại, song do nước đầu nguồn cạn kiệt không có nước bơm vẫn khiến 400m2 lúa bị khô hạn, vàng lá.

Nhiều ruộng lúa của xã Mường Bú bị khô hạn, nứt nẻ. 

Ông Quàng Văn Linh, Bí thư, trưởng bản Mường Bú, cho hay: Bản Mường Bú có 14,7 ha lúa, do các hồ chứa cạn nước, từ đầu vụ đã mất trắng 2,7ha lúa không cấy được, bản đã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích lúa mất trắng sang trồng ngô, lạc và cỏ voi, còn 12 ha lúa còn lại, do thời tiết nắng hạn kéo dài từ đầu năm đến nay, suối cạn không có nước tưới, khiến 2 ha lúa khô hạn, không có khả năng phục hồi.

Ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Mường Bú, thông tin: Mọi năm cũng thiếu nước, song chưa năm nào khô hạn lại kéo dài như năm nay. Xã tuyên truyền vận động nhân dân phát quang, khơi thông, nạo vét các tuyến mương, phai và tận dụng nguồn nước hiện có bơm cứu hạn, song do thiếu nước, 53 ha lúa ở 11 bản, tiểu khu bị thiệt hại.

Kiểm tra, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các tuyến kênh, mương. 

Không chỉ ở xã Mường Bú mà các xã: Pi Toong, Nặm Păm, Mường Chùm cũng gặp phải tình trạng tương tự. Hiện tại, các đầu mối cũng như trong tuyến kênh, mương của các công trình thủy lợi, lượng nước chỉ đạt khoảng 20% theo thiết kế và theo nhiệm vụ cấp nước, tưới nước của công trình, nguồn nước tại suối, các khe suối cũng cạn, ở mức thấp so với hàng năm. Qua rà soát, trên địa bàn huyện Mường La hiện nay có gần 90 ha lúa bị hạn.

Ông Vũ Đình Tùng, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Mường La, thông tin: Chi nhánh đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ thủy lợi cơ sở tiến hành xuống địa bàn kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình nguồn nước và tổng hợp diện tích bị hạn, thiếu nước. Chi nhánh đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, bản, tiểu khu tập trung chỉ đạo các tổ thuỷ lợi cơ sở huy động bà con nhân dân thường xuyên nạo vét kênh mương, cửa, cống lấy nước, khơi thông dòng chảy; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi và đầu mối công trình; kịp thời hỗ trợ dầu bơm chống hạn; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, điều tiết nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, dùng máy bơm hút nước từ ao vào kênh, vận động bà con nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Nông dân xã Mường Bú mua máy bơm để tưới nước cho ruộng.

Hiện nay, nhiều ruộng lúa đã nứt nẻ vì khô hạn. Nếu trong vài ngày tới không có mưa, ở những khu ruộng thiếu nước, lúa sẽ bị chết khô. Để giảm mức thấp nhất thiệt hại do tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra, huyện Mường La đang chỉ đạo các xã tận dụng nguồn nước suối, khe lạch, nước mó để lấy nước tưới cho cây trồng và nước phục vụ sinh hoạt. Thực hiện biện pháp nạo vét, khơi thông, be bờ hiệu quả, tăng cường quản lý điều tiết, phân phối nước đảm bảo quy trình vận hành theo hướng tiết kiệm, chống thất thoát lãng phí trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Bà con nhân dân chuyển đổi diện tích lúa bị mất trắng sang trồng cây hoa màu chịu hạn.

Khuyến khích nhân dân áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, áp dụng phương pháp tưới luân phiên, tiết kiệm nước. Tuyên truyền vận động nhân dân dùng máy bơm dầu loại nhỏ, bơm chống hạn cho diện tích lúa có nguồn nước bơm. Đối với diện tích không có nguồn nước bơm, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi sang gieo trồng cây hoa màu chịu hạn… Huyện cũng chủ động sử dụng kinh phí ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, huyện sẽ báo cáo tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới