Những ngày này, về huyện Phù Yên, trên các triền đồi, nông dân đang khẩn trương thu hoạch những vườn cam, bưởi đã chín. Mặc dù đầu năm thời tiết khô hạn, nhưng do chủ động các giải pháp chăm sóc, tưới tiêu, nên vụ quả này, nông dân trong huyện tiếp tục được mùa.
Bản Văn Phúc Yên là một trong những vựa trồng cam của xã Mường Thải, với diện tích trên 70 ha. Từ sáng sớm, trong những vườn cam sai trĩu quả, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch, không khí lao động thật khẩn trương, mọi người đều phấn khởi bởi cam được mùa, mẫu mã đẹp.

Nhanh tay thu hoạch cam để kịp giao cho các thương lái, anh Nguyễn Văn Sự, bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải, chia sẻ: Gia đình trồng 4 ha cam đường canh theo hướng hữu cơ, trong đó, có 3 ha đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân từ 20-30 tấn/ha, giá bán đạt từ 35 nghìn đồng/kg trở lên. Ngoài tuân thủ quy trình sản xuất, tôi còn học hỏi, áp dụng kỹ thuật để cam chín từng đợt, thu hoạch rải vụ từ cuối tháng 10 năm nay đến tháng 2 năm sau, giảm áp lực tiêu thụ chính vụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Dự kiến năm nay, vườn cam sẽ cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.
Tiếp tục đến bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, không khí lao động cũng thật sôi nổi. Ông Nguyễn Đức Cường, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nghĩa Hưng, cho hay: Bản có 124 hộ, gần 600 nhân khẩu. Cả bản hiện có trên 100 ha cam đường canh, cam V1, bưởi da xanh, quýt ngọt… dự kiến sản lượng đạt trên 1.700 tấn. Ban quản lý bản chỉ đạo nhân dân tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, đảm bảo tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ khách hàng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Hiện nay, huyện Phù Yên có trên 800 ha cây ăn quả có múi, trong đó, 500 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là giống cam V1, V2, đường canh; quýt Thái; bưởi da xanh, bưởi hoàng và bưởi diễn… tập trung ở các xã: Tân Lang, Mường Cơi và Mường Thải. Theo các chủ vườn, trọng lượng bưởi da xanh, bưởi hoàng đạt từ 1,3-1,5 kg/quả; bưởi diễn 0,8kg/quả. Còn đối với cam V1, V2 đạt từ 10-12 tấn/ha; cam đường canh đạt từ 20 tấn/ha trở lên; năng suất bưởi đạt từ 10 tấn/ha trở lên.

Sau nhiều năm xây dựng và khẳng định thương hiệu, chất lượng các loại quả có múi của huyện Phù Yên đã nhận được sự đánh giá cao của khách hàng. Năm 2017, thương hiệu “Cam Phù Yên” được cấp chỉ dẫn địa lý đã giúp người trồng cây ăn quả được hưởng lợi trong việc tìm kiếm thị trường.
Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh, xã Tân Lang, chia sẻ: HTX hiện có 15 thành viên với trên 30 ha trồng các loại cam V1 và cam đường canh. Kể từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, việc kết nối tiêu thụ nông sản của HTX trở nên thuận lợi hơn. Nếu như trước đây, chúng tôi phải chủ động chào hàng bằng nhiều hình thức để tìm kiếm thêm những đối tác, bạn hàng mới, thì hiện nay, các thành viên của HTX đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, khối lượng đơn đặt ngày càng tăng. Riêng năm 2024, bình quân mỗi thành viên của HTX đã nhận được khoảng 3-4 đơn đặt hàng từ 3 tấn quả trở lên.
Tiếp tục mở rộng vùng trồng, UBND huyện Phù Yên đã tổ chức 20 đợt tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng nông sản an toàn; ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng và nâng cao giá trị nông sản.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên, cho biết: Bước vào vụ thu hoạch quả năm nay, phòng đã phối hợp với các địa phương, HTX rà soát nhu cầu cần được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, để có phương án hỗ trợ hiệu quả. Tiếp tục kết nối với các bạn hàng truyền thống; tăng cường quảng bá sản phẩm trên mạng Zalo, Facebook… kết nối với các siêu thị, nhà hàng ở các tỉnh bạn… giúp nông dân nâng cao thu nhập từ trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện đã tiêu thụ trên 2.000 tấn quả, đạt khoảng 30% tổng sản lượng niên vụ 2024-2025.

Cây ăn quả có múi, nhất là cây cam đang mang lại cho nông dân huyện Phù Yên thu nhập cao, ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!