Linh hoạt để phục hồi và tăng trưởng

Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối diện khó khăn chưa từng có, đã tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp. Với sự linh hoạt trong triển khai các giải pháp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ngành dệt may đã từng bước vượt khó, sẵn sàng cho đà hồi phục và tăng trưởng trong thời gian tới.

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10.
Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10.

Hiện tại, lượng đơn hàng đã có tín hiệu khởi sắc so với những tháng cuối năm 2023, tuy nhiên, đơn giá vẫn giảm sâu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đoán định,...

Đối diện nhiều áp lực

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức khi đơn giá giảm hơn 30%; cá biệt, mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50% do các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá, lấy đơn hàng.

Bên cạnh đó, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ 10-14 ngày, trong khi trước đây khoảng 40 ngày đối với hàng CM (gia công), 70 ngày đối với hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm)..., đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp. Nhờ tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành sản xuất, kinh doanh đã giúp đơn vị hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, tổng doanh thu của Vinatex năm qua đạt 17.225 tỷ đồng, bằng 104,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỷ đồng, bằng 101,9% kế hoạch. Vinatex và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực bảo đảm việc làm và thu nhập cho gần 62 nghìn người lao động thông qua việc giảm lợi nhuận nhằm duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15%,...

"Ðạt được thành quả nêu trên là sự nỗ lực, kiên cường bám trụ của người lao động toàn hệ thống. Ðể duy trì đơn hàng, các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh năng suất và phương thức tổ chức sản xuất so với trước đây để sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao,..." - ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Nhận định về tín hiệu thị trường thời gian tới, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex Vương Ðức Anh cho rằng, các dự báo cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện. Tại thị trường Mỹ, tín hiệu có thể có ba đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Một số quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang trong nước, trong khi Việt Nam được đánh giá điểm đến an toàn, có ưu thế để thu hút các đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng có những thách thức mới như: Tiền lương tối thiểu tăng 6% từ ngày 1/7 tới, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng hơn 7% năm 2023,...

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương lưu ý, lượng đơn hàng những tháng đầu năm có tín hiệu khởi sắc nhưng mức giá tương đương so với năm 2023 và vẫn giảm khoảng 20-30% so với trước kia. Ngoài ra, do bất ổn ở khu vực Biển Ðỏ đã đẩy cước vận tải và logistics tăng cao, trong khi cầu tiêu dùng thế giới phục hồi chậm; đơn hàng diễn biến theo tuần sẽ là những thách thức doanh nghiệp cần chủ động ứng phó.

 

Linh hoạt sản xuất

Ghi nhận của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, hiện tại, lượng đơn hàng đã có tín hiệu khởi sắc, báo hiệu thị trường đang ấm dần, trong đó, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý I, đang đàm phán cho những quý tiếp theo, tuy nhiên, đơn giá vẫn ở mức giảm sâu và đang nhích lên không đáng kể.

Bên cạnh đó, tình hình xung đột địa chính trị, lạm phát trên toàn cầu vẫn ở mức cao, đồng thời dệt may không nằm trong thứ tự ưu tiên của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu,... Do vậy, để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, bảo toàn lao động, giữ thu nhập..., doanh nghiệp cần tiếp tục mục tiêu đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng; đẩy mạnh phát triển bền vững, xanh hóa dệt may, đáp ứng yêu cầu của thị trường, khách hàng. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần tăng cường đầu tư vào công nghệ hóa, tự động hóa ở các dây chuyền sản xuất nhằm bảo đảm tiến độ giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ nhưng chất lượng sản phẩm cao để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trong bối cảnh các quốc gia sản xuất dệt may cạnh tranh gay gắt khi tổng cầu suy giảm, Việt Nam vẫn nổi lên là điểm sáng trong khu vực với sự ổn định về chính trị, năng lực sản xuất cao, tay nghề người lao động khéo léo, đồng thời các chính sách đãi ngộ cho người lao động đang tốt hơn với các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Campuchia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cần nâng cao hơn nữa năng lực, tay nghề người lao động, linh hoạt trong sản xuất, chấp nhận các đơn hàng khó, có tính kỹ thuật phức tạp nhưng có giá trị gia tăng cao,...

Nhận định về những khó khăn, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho rằng, khó khăn về giá còn tiếp diễn, đơn hàng có thể số lượng khá hơn nhưng do tính chất biến động cao, nhanh của thị trường. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất, phân phối lớn trên thế giới; đồng thời thực hiện mục tiêu chiến lược là một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh, cũng như kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ...

Theo dự báo của Wood Mackenzie, GDP toàn cầu sẽ giảm so với năm 2023 và 2022 do tình hình xung đột địa chính trị còn kéo dài, dẫn tới giảm nhu cầu mua sắm các hàng hóa không thiết yếu trong đó có dệt may, tác động trực tiếp tới tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp. Mặt khác, hành vi tiêu dùng của khách hàng đang dần thay đổi theo hướng chuyển sang bền vững với thời trang tuần hoàn, các sản phẩm mang tính đặc thù rõ nét hơn từ chất liệu cho tới giá thành; người tiêu dùng và các nước nhập khẩu ngày càng quan tâm hơn tới trách nhiệm của nhà nhập khẩu, các thành viên trong chuỗi cung ứng... Ðiều này đặt ra những yêu cầu mới về năng lượng sạch, tái chế sản phẩm, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hay cơ chế điều chỉnh thuế carbon,...

Ðề cập vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ Hoàng Thùy Oanh khẳng định, với những đặc điểm cơ bản của thị trường trong giai đoạn tới, doanh nghiệp cần xây dựng một số phương án nhằm ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành; trong đó, phải bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp. "Do biến động liên tục về thị trường, doanh nghiệp cần linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo năng lực tìm kiếm đơn hàng, cũng như nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch chuyển dần sang phân khúc trung và cao cấp. Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, qua đó mới có cơ hội tiếp cận nguồn hàng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh" - bà Hoàng Thùy Oanh nhấn mạnh.

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới