“Hộ chiếu” đưa nông sản vươn xa

Năm 2023, nông sản Sơn La đã xuất khẩu đến 17 quốc gia, vùng lãnh thổ. Giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 177,6 triệu USD. Kết quả đó là do việc cấp mã số vùng trồng, tạo “hộ chiếu” cho nông sản được triển khai rộng khắp, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản của nhiều thị trường.

Vùng trồng nhãn xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu đã được cấp mã số vùng trồng.

Nâng cao giá trị nông sản

Sau 6 năm chinh phục thị trường xuất khẩu, HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu hiểu rõ, để sản phẩm nông sản đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu thì sản phẩm không chỉ có mẫu mã đẹp, đòi hỏi chất lượng phải tốt. Phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về mã số vùng trồng, về kiểm soát dịch bệnh cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX cho biết: HTX được cấp mã số vùng trồng từ năm 2018, tạo thuận lợi cho việc mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu. Hiện nay, HTX có 80 ha xoài tượng da xanh, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 700 tấn xoài, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP... Trong đó, duy trì 1 mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường EU và Trung Quốc với diện tích 14,5 ha. Xuất khẩu xoài giúp doanh thu của người nông dân tăng hơn nhiều so với trước đây.

Chị Hoàng Thị Thảo, thành viên HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, nói: Quá trình chăm sóc cây xoài xuất khẩu đòi hỏi cao hơn so với canh tác truyền thống, nhưng khi bán xoài được giá cao hơn. Trong quá trình chăm sóc, như: đốn tỉa, bón phân, phun thuốc... đều phải ghi chép đầy đủ, rõ ràng. Chúng tôi đã thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc sinh học, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ... Sản phẩm tạo ra đảm bảo sạch, an toàn, được xuất khẩu sang nhiều thị trường, đem lại thu nhập ổn định các thành viên HTX.

Mô hình trồng nhãn rải vụ của nông dân xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

Còn HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, từ khi tập trung xây dựng mã số vùng trồng, các thành viên HTX thành thạo kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, cũng như lựa chọn loại phân bón, giống tốt đưa vào sản xuất. Anh Vũ Anh Minh, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có 14 thành viên, canh tác 39 ha nhãn. Tháng 7/2023, HTX đăng ký và được cấp 1 mã số vùng trồng với diện tích 19 ha sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù chưa có sản phẩm nhãn xuất khẩu nhưng việc được cấp mã số vùng trồng là tiền đề quan trọng để HTX khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Điểm sáng trong xây dựng, quản lý mã số vùng trồng

Là một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, những năm gần đây, sản phẩm quả của huyện Mai Sơn ngày càng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, huyện đang duy trì 39 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 827 ha. Năm 2023, toàn huyện tiêu thụ trên 90.000 tấn quả; trong đó, xuất khẩu trên 4.000 tấn, giá trị đạt trên 56 tỷ đồng.

Từ đất trồng ngô kém hiệu quả, 6 năm trước, anh Lò Văn Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn chuyển sang trồng 3 ha chanh leo. Dưới sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vườn chanh leo của gia đình anh phát triển tốt và cho năng suất 15-20 tấn/ha. Được tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng mã số vùng trồng, tháng 1/2023, anh Sam cùng một số hộ trồng chanh leo trên địa bàn xã làm hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng cho cây chanh leo.

Anh Sam cho biết: Thời gian đầu làm theo tiêu chuẩn thấy cũng khó, nhưng được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, hỗ trợ rất sát sao, nên cũng thấy yên tâm. Nhờ được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chanh leo được nhiều khách hàng quan tâm, không còn phải lo lắng cho đầu ra của sản phẩm vì chanh đạt tiêu chuẩn nên dễ dàng được thu mua, tiêu thụ hơn.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, thông tin: Chúng tôi đã bám sát các thông tin về xuất khẩu, thông qua các hội nghị, nhóm zalo để tuyên truyền, cập nhật mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Hàng tuần, hàng tháng cập nhật và cung cấp thông tin chính sách thương mại, thị phần, thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các quy định về rào cản kỹ thuật, thuế quan cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả hàng hóa để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong huyện xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Mô hình trồng mận theo hướng hữu cơ của nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Còn tại huyện Yên Châu, với trên 11.000 ha cây ăn quả, duy trì 34 mã vùng trồng của 3 loại cây ăn quả gồm: nhãn, xoài, mận hậu, diện tích gần 300 ha. Ngoài việc tiêu thụ ở các thị trường truyền thống, trong năm 2023, sản phẩm mận của huyện Yên Châu đã được đưa lên các chuyến bay của Vietnam Airlines đi các châu lục trên thế giới và trong nước.

Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Năm 2024, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng cho các nông sản chủ lực trên địa bàn; tập trung tuyên truyền, thay đổi tư duy sản xuất cho người dân. Rà soát, xây dựng, mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Theo thống kê, đến tháng 2/2024, toàn tỉnh thực hiện cấp 293 mã số vùng trồng xuất khẩu, trong đó, đang duy trì 211 mã số vùng trồng cho 7 loại cây trồng với tổng diện tích 3.085 ha, phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Úc, Mỹ, Newzealand, EU và một số thị trường khác.

Tăng cường kiểm tra, giám sát vùng trồng xuất khẩu

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu mà còn góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng trách nhiệm hơn... Qua đó, nâng cao giá trị hàng hóa, đưa nông sản của địa phương xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới.

Hiện nay, Hiệp định EVFTA tạo điều kiện cho nông sản Sơn La nhập khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, các hàng rào phi thuế quan được dựng lên ngày càng nhiều, 100% các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào EU phải có thông tin định vị (GPS) bằng hệ thống giám sát viễn thám. Đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, tỉnh Sơn La đã giao nhiệm vụ cụ thể các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai khung hành động thực hiện thích ứng với quy định xuất khẩu các hàng hóa và các sản phẩm có liên quan. Đồng thời, ban hành kế hoạch thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025.

Bà Lưu Thanh Nga, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Điều kiện để được cấp mã số vùng trồng, người sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu về diện tích, điều kiện canh tác, về quản lý sinh vật hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhật ký sản xuất… Đối với tỉnh Sơn La, diện tích được cấp mã số vùng trồng còn khá khiêm tốn so với tổng diện tích cây trồng. Mức độ áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp. Việc chấp hành các quy định của mã số vùng trồng của một số tổ chức, cá nhân chưa cao.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại các mã số trồng phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Rà soát những cơ sở sản xuất không đảm bảo theo quy định, nhận diện nguy cơ; có biện pháp ngăn chặn kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất gây mất an toàn.

Trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh của các mặt hàng nông sản ngày càng tăng, vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm ngày càng trở nên quan trọng. Xây dựng mã số vùng trồng là cơ sở quan trọng để khẳng định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị, thu nhập, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới