Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản trong tình hình mới

Năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 22% tổng kim ngạch. Mặc dù thị trường này còn nhiều dư địa khai thác nhưng những chính sách mới trong thương mại của Mỹ năm 2025 được dự báo sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung của Việt Nam, trong đó có nông sản.

Sơ chế bưởi phục vụ xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. (Ảnh Minh Hà)
Sơ chế bưởi phục vụ xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. (Ảnh Minh Hà)

Hai tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 9,38 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024. Về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 4,3% thì xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận mức tăng 18,9%.

Nhiều mặt hàng có lợi thế

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, năm 2024, Mỹ nhập khẩu 1,48 triệu tấn cà-phê từ các nước trên thế giới, trị giá 8,83 tỷ USD.

Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam 96,8 nghìn tấn, trị giá 355 triệu USD, giảm 32,2% về lượng nhưng tăng 2,2% về giá trị so với năm 2023, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung cà-phê lớn thứ 3 vào Mỹ; giá bình quân nhập khẩu cà-phê của Mỹ từ Việt Nam tăng mạnh nhất, tăng 50,9% so với năm 2023, lên mức 3.665 USD/tấn.

Bên cạnh cà-phê, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Mỹ trong năm 2024, chiếm 77,17% về lượng và 76,75% về trị giá trong tổng nhập khẩu. Theo đó, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ từ Việt Nam đạt 75,6 nghìn tấn, trị giá 414,8 triệu USD.

Ðối với mặt hàng rau quả, năm 2024, Việt Nam là nguồn cung rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến lớn thứ 15 cho Mỹ, trị giá đạt 619,5 triệu USD, tăng 33,7% so với năm 2023 và tăng từ 0,82% năm 2023 lên 1,02% năm 2024 trong tổng trị giá nhập khẩu của Mỹ. Ðồng thời, Việt Nam cũng là thị trường cung cấp sắn lớn thứ 7 cho Mỹ. Tinh bột sắn là nguồn cung cấp lớn thứ tư cho Mỹ, đạt 5,93 nghìn tấn, trị giá 3,9 triệu USD.

Bên cạnh nông sản thì thủy sản và lâm sản cũng là những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao tại thị trường Mỹ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng 16%, đạt hơn 1,8 tỷ USD nhờ xu hướng gia tăng tiêu dùng thực phẩm, trong đó có thủy sản. Các sản phẩm ghi nhận mức tăng trưởng tích cực như tôm, cá tra, cá ngừ,…

Bên cạnh đó, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng đóng góp kim ngạch rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ. Hai tháng đầu năm 2025, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chung cả nước đạt 2,45 tỷ USD, thì xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024. Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 53,1% tổng trị giá xuất khẩu.

Ứng phó thách thức thương mại mới

Từ đầu tháng 2/2025, Mỹ đã có những thay đổi trong chính sách thương mại, cụ thể là các chính sách thuế, tác động trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động xuất khẩu của một số quốc gia. Trong bối cảnh chung, Việt Nam cần chủ động biện pháp ứng phó linh hoạt để giữ vững thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn này.

Ông Ðỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công thương) tại Mỹ cho biết: Việt Nam cần theo dõi sát sao diễn biến thương mại của Mỹ, nhằm giảm thiểu rủi ro khi quốc gia này thay đổi chính sách. Thời gian qua, Việt Nam đã có kinh nghiệm đối với các vụ việc về phòng vệ thương mại thông qua việc hợp tác đầy đủ trong cung cấp thông tin, tài liệu kiểm chứng, công tác điều tra tại địa bàn, qua đó bảo vệ được quyền lợi và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam khoảng 150 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023; trong đó, quan hệ thương mại giữa hai nước mang tính bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương giữa hai nền kinh tế không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau. Mặt khác, hàng hóa từ Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao về chất lượng và giá cả cạnh tranh nên đã giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận với hàng hóa, giá cả hợp lý.

Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng lộ trình cụ thể để bảo vệ lợi ích thương mại trước các biện pháp thuế từ Mỹ. Theo dự báo, Mỹ có thể sẽ áp thuế với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các nhà xuất-nhập khẩu hàng hóa của Mỹ… nhằm xây dựng liên minh ủng hộ việc mở rộng thương mại với Việt Nam, giảm thiểu rủi ro trong việc thay đổi chính sách thương mại của Mỹ.

Liên quan đến vấn đề thuế đối với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết: Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt hơn 17 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,1 tỷ USD; nhập khẩu từ Mỹ khoảng 323,7 triệu USD (trong đó 300 triệu USD là nguyên liệu gỗ tròn, gỗ xẻ được hưởng thuế suất 0% và hơn 23 triệu USD là các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Mỹ và đang áp mức thuế từ 20 đến 25%). Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp gỗ của cả Việt Nam và Mỹ đều rất băn khoăn và trong thấp thỏm trước Sắc lệnh ngày 13/2/2025 của Tổng thống Mỹ yêu cầu rà soát lại và áp thuế đối ứng đối với 17.000 mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, nếu Mỹ áp thuế đối ứng vào tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 9 tỷ USD của Việt Nam thì vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam.

Trước tình hình đó, VIFOREST đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan liên quan có thể xem xét để đưa thuế về 0% đối với các sản phẩm đồ gỗ nội thất nhập khẩu từ Mỹ. Việc Mỹ đang rà soát có thể áp thuế 25% đối với gỗ tròn, gỗ xẻ và các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng cũng gây lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng thì tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

"Thực tế, hiện có tình trạng một số khách hàng Mỹ rất ngập ngừng trong việc ký hợp đồng nhập khẩu gỗ từ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, quan hệ thương mại gỗ của hai nước là bổ trợ và cùng nhau tạo giá trị gia tăng. Việt Nam là quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới nhập nguyên liệu gỗ từ Mỹ; rất nhiều nguyên liệu gỗ nhập về chế biến ra sản phẩm và nhiều sản phẩm trong số đó đã xuất trở lại Mỹ. Ðây là quan hệ thương mại cùng có lợi. Do đó, Hiệp hội mong muốn các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Mỹ liên tục cập nhật thông tin và có kiến nghị kịp thời để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp gỗ trong nước", ông Ngô Sỹ Hoài đề xuất.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Lãnh đạo hoạt động kinh doanh hiệu quả

    Lãnh đạo hoạt động kinh doanh hiệu quả

    Xây dựng Đảng -
    Đảng bộ Agribank Sơn La có 17 chi bộ trực thuộc, với 254 đảng viên. Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp hoạt động kinh doanh, khẳng định uy tín và thương hiệu, nhất là vai trò chủ lực trong đóng góp phát triển nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội.
  • 'Nữ công an cơ sở xuất sắc

    Nữ công an cơ sở xuất sắc

    Gương sáng bản làng -
    Tháng 5 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, Trung tá Đỗ Thị Bính Thìn, Phó Trưởng Công an phường Tô Hiệu, vinh dự là một trong 63 gương mặt nữ công an cơ sở xuất sắc được Bộ Công an tuyên dương.
  • 'Xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc

    Xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc

    An ninh trật tự -
    Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở xã Chiềng Mung sau một năm thành lập và hoạt động, đã tích cực hỗ trợ lực lượng công an xã giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
  • 'Thắp lửa phong trào văn nghệ cơ sở

    Thắp lửa phong trào văn nghệ cơ sở

    Văn hóa - Xã hội -
    Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 đội văn nghệ quần chúng hoạt động tại các bản, tiểu khu, tổ dân phố, trường học và các câu lạc bộ sở thích. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh luôn quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn cho các đội văn nghệ cơ sở, góp phần tiếp thêm ngọn lửa đam mê, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
  • 'Mùa hè ý nghĩa của sinh viên tình nguyện

    Mùa hè ý nghĩa của sinh viên tình nguyện

    Xã hội -
    Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, các tình nguyện viên “Mùa hè xanh” của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động ý nghĩa, góp phần lan tỏa tinh thần vì cộng đồng.