Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 21.400 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La, sản lượng ước đạt 35.000 - 45.000 tấn cà phê nhân/năm, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng.

Liên kết sản xuất bền vững
Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị ngành trồng trọt; tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển 3.900 ha cà phê đặc sản; xuất khẩu 25.000 tấn cà phê nhân/năm. UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tái canh cà phê già cỗi bằng các giống THA1, TN1, TN2, TN6, TN7.
Tại huyện Mai Sơn, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh với 8.569 ha, đang có hơn 1.600 hộ dân trồng 1.143 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao ở 18 bản thuộc các xã: Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong. Ông Nguyễn Khắc Hào, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đang phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã để tái canh, cải tạo 2.300 ha cà phê và phát triển chuỗi liên kết sản xuất theo hướng bền vững, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Mai Sơn có 3 doanh nghiệp liên kết sản xuất cà phê với 2.030 hộ dân trên diện tích 1.583 ha, gồm: Công ty CP chế biến cà phê Sơn La, Công ty CP Phúc Sinh Sơn La và Công ty CP Tập đoàn Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La. Diện tích này được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 4C, RA và tiêu chuẩn không gây mất rừng của châu Âu.
Ông Hà Văn Doan, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, cho biết: HTX thành lập năm 2023, có 52 thành viên với 71 ha cà phê trồng từ năm 2000, sản lượng khoảng 1.200 tấn/năm. HTX liên kết với Công ty CP Phúc Sinh Sơn La cải tạo, tái canh cây cà phê phù hợp khí hậu, hướng tới sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tại xã Chiềng Chung có 675 ha cà phê, trong đó, hơn 300 ha được cấp mã vùng trồng. Tiêu biểu HTX Ara - Tay Coffee với 200 ha cà phê, trong đó, 70 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 1.400 tấn/năm. Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX, cho biết: Các thành viên HTX tuân thủ quy trình sản xuất bền vững, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phân bón hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm cà phê của HTX được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và đạt chuẩn OCOP 4 sao từ năm 2022.
Đầu tư sản xuất và chế biến sâu
Là vùng trồng cà phê Arabica chất lượng cao lớn nhất cả nước, tỉnh ta đã đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất và chế biến sâu quả cà phê để phục vụ thị trường và xuất khẩu. Tiêu biểu, như Công ty cổ phần Chế biến cà phê Sơn La đã đầu tư nhà máy quy mô gần 4,1 ha, với công suất xử lý 50.000 tấn cà phê quả tươi/năm. Nhà máy được trang bị dây chuyền chế biến hiện đại, gồm: Hệ thống xát ướt tiết kiệm nước với cơ chế tuần hoàn và dây chuyền xát khô khép kín, không phát sinh bụi. Toàn bộ quy trình sản xuất được thiết kế theo hướng tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp xanh và bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm gồm: cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc và các dòng cà phê đặc sản được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản.

Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến cà phê Sơn La, cho biết: Công ty đã liên kết với 684 hộ dân, phát triển 368 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 8 bản thuộc xã Chiềng Chung và Chiềng Ban, được UBND tỉnh công nhận. Công ty triển khai sản xuất cà phê theo quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR); xác định vùng trồng, số hộ tham gia để mở rộng chuỗi chứng nhận cà phê bền vững theo tiêu chuẩn RSP, phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam, tại 8 xã của huyện Mai Sơn và một số xã thuộc huyện Yên Châu, với tổng diện tích gần 3.000 ha. Năm 2024, công ty bán trên 3.000 tấn cà phê nhân cho Louis Dreyfus Company Việt Nam. Việc đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, mở rộng diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và bền vững (4C, RA, EUDR...) đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La cũng là đơn vị tiên phong, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế biến cà phê Arabica. Ông Vũ Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Để phát triển bền vững, chúng tôi liên kết chặt chẽ với nông dân, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sơ chế đúng quy trình và cam kết thu mua với giá hợp lý, giúp nông dân tăng thu nhập. Đồng thời, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến. Các sản phẩm của Công ty đều mang nhãn hiệu Blue Sơn La, với hương vị đặc trưng ngày càng được ưa chuộng trong và ngoài nước, mang lại doanh thu hàng chục triệu USD/năm.
Toàn tỉnh hiện có trên 19.100 ha cà phê được cấp các chứng nhận bền vững RA, 4C, VietGAP và tương đương; có trên 1.120 ha cà phê đặc sản; có 2 vùng sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn với quy mô 1.000 ha cà phê của 1.560 hộ gia đình. Có 7 công ty, doanh nghiệp, HTX được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”, xuất khẩu đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu đạt gần 100 triệu USD, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 18.000 hộ trồng cà phê.
Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh ta luôn quan tâm, xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tạo cơ hội để gia tăng giá trị kinh tế và giữ vững uy tín thương hiệu cà phê Sơn La trên thị trường quốc tế, mang lại lợi ích bền vững cho cả người nông dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!