Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nghìn đến năm 2050.

Giọng nữ
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các tập đoàn liên quan đến năng lượng, điện lực, các hiệp hội, trường đại học và các tổ chức quốc tế. Dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đảm bảo nguồn cung điện đầy đủ cho nhu cầu trong nước, song hành cùng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân dự kiến khoảng 10,0%/năm giai đoạn 2026-2030 và khoảng 7,5%/năm giai đoạn 2031-2050.

Cụ thể, điện thương phẩm dự kiến đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh vào năm 2030 và định hướng đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh vào năm 2050. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước tính đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỷ kWh vào năm 2050. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 là khoảng 89.655 - 99.934 MW và tăng lên khoảng 205.732 - 228.570 MW vào năm 2050. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% số nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ mà không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Đặc biệt, quy hoạch chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (ngoại trừ thủy điện) để sản xuất điện, với mục tiêu đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030 và hướng tới 74 - 75% vào năm 2050. Đồng thời, quy hoạch đặt ra mục tiêu kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện, giảm xuống còn khoảng 197 - 199 triệu tấn vào năm 2030 và khoảng 27 triệu tấn vào năm 2050. 

Tại tỉnh Sơn La, theo quy hoạch điện lực quốc gia đến năm 2030, sẽ có sự tăng trưởng đáng kể về công suất các nguồn điện, cụ thể là 411 MW thủy điện, 3.724 MW điện mặt trời, 580 MW điện gió, 16 MW điện sinh khối và 900 MW thủy điện tích năng. 

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể hợp tác với các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án điện mặt trời nổi trên lòng hồ thủy điện. Tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cấp công suất các đường dây truyền tải và trạm biến áp trên địa bàn tỉnh. Sơn La mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ Bộ để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành để điều chỉnh và bổ sung cơ chế tài chính, giá điện, hướng tới vận hành theo cơ chế thị trường. Thông tin rộng rãi về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2026, với tầm nhìn hướng đến năm 2030. Các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh danh mục đầu tư phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh các bước phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, tài chính, và bố trí mặt bằng cho các dự án điện theo quy định pháp luật. Đồng thời, chủ động phối hợp với chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ dự án năng lượng theo kế hoạch, kiểm soát chặt chẽ tiến độ.

Về các đề xuất từ tỉnh Sơn La, Bộ trưởng lưu ý rằng việc phát triển điện mặt trời nổi cần xem xét kỹ lưỡng độ sâu lòng hồ và các biện pháp an toàn. Đối với các dự án điện gió, việc khảo sát địa hình phải thận trọng để phòng tránh nguy cơ sạt lở đất, bảo vệ an toàn cho cộng đồng dân cư.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới