Co Mạ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, điều kiện kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong triển khai các giải pháp xóa đói giảm nghèo, bộ mặt nông thôn mới nơi đây đang dần đổi thay.
Với 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông, thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Co Mạ được coi là thủ phủ của cây thuốc phiện, cùng với các hủ tục lạc hậu, tập quán du canh, du cư, nên cái đói, cái nghèo đeo bám mãi đời sống của bà con. Ông Thào A Súa, quyền Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng cao, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của gần 1.500 hộ ở 17 bản đã có nhiều thay đổi. Hằng năm, xã tổ chức đánh giá, rà soát, khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo để có định hướng phù hợp. Từ đó, phân tích tiềm năng lợi thế để người dân khai thác trong phát triển kinh tế; xã thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển sản xuất.
Nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên nương sang trồng cây có giá trị kinh tế, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trong đó, cây sơn tra được lựa chọn là cây chủ lực, năm 2000, thông qua Dự án KFW7 phát triển lâm nghiệp, cây sơn tra được đưa vào trồng và trở thành cây đa mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, toàn xã có hơn 600 ha cây sơn tra. Hiện nay, xã đang triển khai Dự án sản xuất sản phẩm OCOP từ sơn tra gắn với phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết giá trị bền vững cho sản phẩm từ sơn tra. Dự án nhằm thúc đẩy kết nối du lịch thông qua các hoạt động trải nghiệm, lễ hội hái quả và chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra, như: Trà, nước ép, sơn tra khô, bột sơn tra... Việc triển khai dự án sẽ giúp người dân vùng cao của huyện từng bước thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nhận thấy cây dong riềng phù hợp với thổ nhưỡng, trình độ canh tác và sản phẩm dễ tiêu thụ. Trung bình năng suất 1 ha đạt 40-45 tấn củ, sau khi trừ chi phí còn thu về hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây dong riềng, bây giờ hầu hết các bản bà con đều trồng loại cây này.
Ở bản Co Mạ, hơn 10 năm về trước từng là bản không nước sạch, không điện lưới quốc gia, nhưng đến nay, đường liên bản, nội bản đều được bê tông kiên cố, bản đã có điện lưới quốc gia, công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ông Vàng A Mai, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Co Mạ, cho biết: Các công trình của nhà nước đầu tư đã làm cho đời sống nhân dân thay đổi rất nhiều. Bà con tập trung chăm sóc 53 ha dong riềng, 26 ha ngô; 8 ha cây sơn tra, hơn 2.000 con gia súc, gia cầm. Hầu hết, nông sản của bà con được thương lái đến tận nơi thu mua.
Năm 2009, gia đình ông Vàng A Nếnh, bản Pha Khuông, được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất. ông Vàng A Nếnh chia sẻ: Có vốn, gia đình đã mua trâu, bò, trồng hơn 1 ha dong riềng xen cây sơn tra. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Hiện nay, cùng với tập trung thâm canh 231 ha sắn, 980 ha ngô, 67 ha cây ăn quả, 600 ha cây sơn tra, 80 ha dong riềng; chăn nuôi hơn 28.000 con gia súc, gia cầm và trồng 67 ha cỏ voi, khoanh nuôi bảo vệ hơn 7.273 ha rừng, với lợi thế là trung tâm của 6 xã vùng cao, các hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, với các mặt hàng thiết yếu, như: Máy móc nông nghiệp, thiết bị điện tử, đồ dùng sinh hoạt được bày bán ngay trung tâm xã. Kinh tế từng bước phát triển là điều kiện triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đạt 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,8% năm 2021, xuống còn 39,75% năm 2023.
Từng bước đưa Co Mạ thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường; phát triển thương mại dịch vụ; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia... Xã phấn đấu năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 34,4%.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!