Luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư từ khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu lĩnh vực đến khi hoàn thiện thủ tục pháp lý, xây dựng nhà máy và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã thu hút thêm được những nhà đầu tư tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng hành cùng nhà đầu tư
Tỉnh ta có diện tích tự nhiên 14.000 km², là vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và dịch vụ du lịch. Cộng với nguồn nhân lực dồi dào và nhiều chính sách ưu đãi, tỉnh Sơn La đã và đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến, thu hút đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản bền vững ứng dụng công nghệ cao; chỉ đạo xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Sơn La tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023; chỉ đạo đôn đốc của các ban chỉ đạo, tổ công tác theo hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh. Các cấp, ngành, địa phương đã tập trung triển khai, xây dựng kế hoạch tổng thể và hằng năm với mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian hoàn thành rõ ràng.
.jpg)
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã chấp thuận chủ trương đầu tư 86 dự án, với số vốn đăng ký 30.349 tỷ đồng, vốn bình quân của các dự án khoảng 375 tỷ đồng/dự án, cao gấp 5,5 lần giai đoạn 2016-2020. Số vốn đầu tư thực hiện tham gia đóng góp vào chỉ tiêu vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30%.
Hiện trên địa bàn đang có 7 dự án FDI ngoài Khu công nghiệp đang hoạt động, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 153,6 triệu USD thuộc các lĩnh vực đầu tư gồm: Sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản. Các dự án đều kinh doanh tương đối ổn định và đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
Qua theo dõi và tổng hợp của các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, các dự án công nghiệp và dịch vụ quy mô lớn đang ngày càng chiếm ưu thế, trong đó có nhiều dự án đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Tổ hợp trang trại sinh thái bò sữa công nghệ cao Mộc Châu, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng và Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao, trị giá 2.000 tỷ đồng, do Công ty CP Mộc Châu Milk (thuộc Vinamilk) đầu tư; Tổ hợp khách sạn, nhà ở và chợ du lịch Mộc Châu, do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Trí Đức thực hiện, tổng vốn 371 tỷ đồng; Dự án điểm du lịch Mộc Châu Island, có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng... Những dự án này đã và sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp Mai Sơn, cho biết: Từ 2021-2024, Ban Quản lý đã phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho 4 dự án, với tổng vốn khoảng 818 tỷ đồng. Giai đoạn I của khu công nghiệp hiện có 8 dự án hiệu lực, tổng vốn khoảng 1.272 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 60%. Hiện nay, nhu cầu đăng ký đã vượt quỹ đất còn lại của giai đoạn I.

Doanh thu các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong Khu công nghiệp Mai Sơn đạt 3.153 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt trên 77 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 25,57 tỷ đồng/năm; doanh thu trung bình đạt 45,7 tỷ đồng/1 ha đất công nghiệp; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 204 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 8,4 triệu đồng/người/tháng.
Công ty CP Sản xuất Thương mại Đầu tư VFI (Hà Nội) vừa khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy VFI tại Khu công nghiệp Mai Sơn ngày 18/3. Dự án có quy mô 0,5 ha, gồm nhà xưởng 2 tầng, nhà điều hành 3 tầng, nhà lò hơi, nhà cơ khí, hệ thống xử lý nước thải và các hạng mục phụ trợ; công suất chế biến 4.120 tấn rau, củ, quả/năm, tổng vốn 70 tỷ đồng. Nhà máy chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả sấy, như: Xoài, nhãn, chuối tây, cà rốt, khoai tây, đậu bắp, bí đỏ...
Ông Lê Toàn Thắng, Giám đốc nhà máy, cho biết: Dự án dự kiến hoàn thành vào 15/9. Khi hoạt động, cần khoảng 15.000 tấn nguyên liệu/năm. Doanh nghiệp mong tỉnh Sơn La tiếp tục hỗ trợ liên kết chuỗi cung ứng, tìm kiếm và phát triển vùng nguyên liệu hiệu quả, đảm bảo sản lượng và chất lượng cao.
Đối với giai đoạn II Khu công nghiệp Mai Sơn, hiện có 4 dự án đăng ký đầu tư, với tổng nhu cầu sử dụng đất 27,5 ha, gồm: Tổ hợp Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm, 10 ha; Nhà máy chế biến tinh bột biến tính, 9 ha; Nhà máy sản xuất phân bón NPK, 3,5 ha; Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, 5 ha. Tuy nhiên, đang được cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.
Còn tại Khu công nghiệp Vân Hồ, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đang hỗ trợ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hoàng Dương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng. Đồng thời, tỉnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, làm tiền đề trong việc xác định định hướng thu hút đầu tư và nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Tài Chính, cho biết thêm: Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Sơn La thành Trung tâm chế biến nông sản theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như hoa quả, cà phê, tinh bột sắn, chè, sữa… Đồng thời, triển khai xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao và nghiên cứu lộ trình thành lập Trung tâm quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Mộc Châu.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La sẽ xây dựng các đề án phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2030 làm cơ sở thực hiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Tập trung rà soát phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và có phương án, lộ trình để triển khai cho từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định.
Hiện tại, HĐND tỉnh đã phê duyệt danh mục khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, gồm 6 dự án năng lượng, năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và vừa. Đồng thời, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, cải tạo hạ tầng, gắn với phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhà đầu tư tiềm năng, trong năm 2025, tỉnh Sơn La phấn đấu hoàn thành Nhà máy chè Mộc Châu, công suất 125 tấn chè tươi/ngày và trang trại chăn nuôi 4.000 con bò sữa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!