Thường vào khoảng tháng 7 hàng năm, nhãn chính vụ cho thu hoạch quả, nhưng thời điểm này, một số vườn nhãn của nông dân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đang được thu hoạch. Đây là thành quả của việc áp dụng kỹ thuật thực hiện nhãn chín sớm, rải vụ, trái vụ, góp phần xây dựng thương hiệu nhãn chín sớm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, cây nhãn được trồng ở các bản dọc hai bên bờ sông Mã thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, Chiềng Cang. Tuy nhiên, nhãn chính vụ giá thấp. Khắc phục hạn chế này, thời gian qua, huyện phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn chín sớm, chín muộn, gắn với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, Sông Mã có 500 ha nhãn chín sớm, một số vườn đã bắt đầu cho thu hoạch, với giá bán cao hơn gấp 2-3 lần so với nhãn chính vụ. Với hiệu quả kinh tế vượt trội, giống nhãn chín sớm đã được nhiều hộ dân, HTX trên địa bàn đưa vào sản xuất.
Tại xã Nà Nghịu, các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng đang tập trung cắt tỉa bông, bón phân cho diện tích nhãn chín sớm. ông Nguyễn Văn Tuyên, thành viên HTX, cho biết: Những cây nhãn có tuổi đời hàng chục năm, gia đình đã cắt, ghép với giống nhãn miền thiết và nhãn chín sớm do Viện Nghiên cứu rau quả cung ứng hơn 2 ha. Hiện nay, nhãn chín sớm đã cho quả, dự kiến tháng 6 sẽ được thu hoạch. Việc chuyển đổi sang trồng nhãn chín sớm tuy chi phí cao hơn so với nhãn chính vụ, nhưng giá ổn định và không bị tư thương ép giá.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang có 14 thành viên, quy mô sản xuất 36 ha cây nhãn, chủ yếu là nhãn miền thiết, mỗi năm sản lượng đạt từ 230 - 270 tấn, thường bán với giá từ 8.000 - 15.000 đồng/kg. Khoảng 7 năm trước, các thành viên HTX đã mua giống về ghép thử nghiệm, thấy hiệu quả nên từng bước mở rộng thêm. Đến nay, HTX đã có 15 ha nhãn chín sớm.
Anh Vũ Văn Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, chia sẻ: Sản phẩm nhãn chín sớm không phải chịu cạnh tranh nhiều như nhãn chính vụ. Từ đầu tháng 3, gia đình xuất bán 1 tấn quả, giá bán tại vườn là 60.000 đồng/kg. Dự kiến năng suất năm nay đạt 10 tấn quả/ha. Từ hiệu quả của mô hình nhãn chín sớm, rải vụ, thời gian tới, HTX tiếp tục chuyển đổi một số diện tích nhãn chính vụ sang nhãn chín sớm, trái vụ.
Theo các nhà vườn, nhãn chín sớm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao; nguồn nước dự trữ dồi dào, do lúc xử lý nhãn ra hoa đúng vào thời điểm mùa khô. Sau khi thu hoạch, tiến hành dọn vườn, tỉa cành, phun phân bón kích lộc. Khi lộc cây chuyển sang màu lá chuối non tiếp tục xử lý tưới gốc giúp cây phân hóa mầm hoa. Lúc cây nhú mầm hoa phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá và côn trùng chích hút. Bón phân NPK 16.16.8. Khi hoa nở, không phun bất cứ loại thuốc gì để tạo điều kiện cho ong, bướm hút mật thụ phấn. Lúc hoa tàn và hình thành quả non, phun thuốc trừ sâu đục cuống quả và phòng bệnh thán thư, sương mai, nấm cho quả non.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, thông tin: Hiện nay, huyện có trên 10.600 ha cây ăn quả các loại, trong đó, hơn 7.500 ha cây nhãn, sản lượng đạt 60.000 tấn/năm, thu nhập trên 1.070 tỷ đồng. Phòng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả tham mưu cho UBND huyện định hướng cho nông dân chuyển đổi một phần diện tích nhãn chính vụ chuyển sang nhãn chín sớm, rải vụ.
Việc mở rộng vùng nhãn chín sớm, rải vụ ở Sông Mã đang là hướng đi hiệu quả, giúp địa phương phát huy được thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế của cây nhãn. Nhất là giúp nông dân không còn phải lo lắng về tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như trước đây nữa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!