Nông dân Sơn La chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nông sản năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động hướng dẫn hội viên, nông dân cách thức tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp nông dân nâng cao khả năng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng nhiều phương thức bán hàng.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức 15 đợt tập huấn nâng cao kỹ năng tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho hội viên nông dân. Phối hợp với Bưu điện tỉnh và một số đơn vị khác hướng dẫn người nông dân đăng tải hình ảnh các mặt hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), như Portsmart và Voso.vn. Tính đến đầu tháng 5/2023, toàn tỉnh có hơn 113.500 tài khoản hoạt động trên các sàn TMĐT; hơn 138.700 hộ sản xuất, kinh doanh được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng bán hàng, với gần 2.500 sản phẩm được bán trên các sàn TMĐT.
Việc tiếp cận với người tiêu dùng và các đối tác, bạn hàng mới thông qua các sàn TMĐT từng bước được hội viên nông dân khai thác tối đa. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với kinh doanh theo hình thức bán hàng trực tuyến là cần đảm bảo chất lượng khi hàng được giao đến tay người tiêu dùng. Do đó, ngoài kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thì kỹ thuật sơ chế nông sản, đảm bảo chất lượng tốt nhất khi giao hàng cũng đang được quan tâm.
Anh Giàng A Chinh, bản Nậm Lộng, huyện Bắc Yên, chia sẻ: Thông qua các sàn TMĐT và thông tin từ các đối tác, tôi nhận thấy nhu cầu mua quả sơn tra khá lớn, nhưng khả năng cung cấp hạn chế, do chúng tôi chỉ bán quả tươi ngay sau khi thu hoạch. Từ sự hỗ trợ của các cấp về kho bảo quản lạnh, cũng như được tham gia lớp đào tạo nghề sơ chế nông sản, tôi đã biết cách dự trữ hàng để cung cấp cho đối tác và người tiêu dùng. Ngoài ra, tôi thường xuyên ghi lại nhật ký và hình ảnh quá trình thu hái, bảo quản, sơ chế quả sơn tra để khẳng định chất lượng của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT, một trong những kênh quảng bá, giới thiệu và bán hàng nông sản đạt hiệu quả cao chính là các trang mạng xã hội, như Facebook, Zalo hay Tiktok... có số lượng người sử dụng lớn, khả năng tương tác nhanh, thuận tiện cho việc đặt hàng và bán sản phẩm nông sản.
Chị Bùi Như Quỳnh, bản Kim Sơn, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, cho hay: Gia đình tôi có trên 2 ha trồng dâu tây và 1,5 ha mận hậu. Trong một số lần đăng tải hình ảnh sản phẩm các loại quả lên mạng xã hội Facebook, tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Tôi đã cung cấp thông tin về giá cả, số lượng và phân loại sản phẩm cho khách hàng; khi gửi sản phẩm, cho phép khách hàng kiểm tra hàng trước, sau đó mới thanh toán tiền. Với cách làm như vậy, trong 3 năm qua, tôi đã bán được trên 10 tấn nông sản, thu nhập trên 120 triệu đồng. Hiện nay, mùa thu hoạch mận hận đã bắt đầu, tôi đã nhận được một số đơn đặt hàng từ các bạn hàng.
Việc nâng cao kỹ năng tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản cho hội viên nông dân, góp phần giúp bà con chủ động đầu ra cho sản phẩm nông sản. Đồng thời, giảm tải áp lực cho địa phương trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!