Phát huy tiềm năng lợi thế, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao, huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo, quy hoạch, định hướng và khuyến khích nhân dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn, từ đó, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Sông Mã hiện có trên 10.600 ha cây ăn quả, gồm 7.500 ha nhãn, hơn 1.800 ha xoài, còn lại là các loại cây ăn quả khác. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc hướng dẫn nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo vườn tạp; tập trung lai tạo giống bằng phương pháp ghép mắt đối với cây nhãn, xoài, từng bước thay thế, cải tạo những diện tích cây kém chất lượng. Tổ chức tập huấn về áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ cho các hộ trồng nhãn, xoài.
Tại xã Chiềng Khương, đã có 78 hộ đầu tư ứng dụng công nghệ tưới gốc, tưới phun trên ngọn cho hơn 68 ha nhãn. Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã đầu tư xây dựng nhà lưới trồng 1 ha nho Hạ Đen và lắp đặt hệ thống camera giám sát trong việc chăm sóc, thu hoạch. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, chia sẻ: HTX có 17 thành viên, quy mô sản xuất gồm 46 ha nhãn, 5 ha xoài, 2 ha bưởi da xanh. Tất cả các thành viên HTX đã đầu tư hệ thống tưới gốc, tưới phun trên ngọn và hệ thống châm phân hữu cơ tự động để chăm sóc cây ăn quả. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã tăng sản lượng từ 10-15%, mẫu mã sản phẩm đẹp hơn, giá bán cao hơn so với các vùng trồng khác. Năm 2022, HTX đã xuất bán ra thị trường trên 550 tấn quả các loại, doanh thu đạt hơn 7,5 tỷ đồng.
Với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đến nay, toàn huyện có 229 ha cây ăn quả và các loại rau, củ sản xuất theo hướng hữu cơ, sản lượng đạt trên 5.800 tấn/năm, tại 13 HTX trên địa bàn. Duy trì và phát triển gần 220 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tại 9 xã; năng suất đạt 50 tạ/ha đối với lúa địa phương, 55 tạ/ha đối với lúa thuần nếp 86, 87, 97; 62 tạ/ha với giống BC15, năng suất tăng từ 5-7% so với khi chưa áp dụng cải tạo bằng phương pháp bón hữu cơ. Đến nay, đã có 48/71 HTX nông nghiệp, công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP, với diện tích trên 900 ha, sản lượng hơn 8.900 tấn.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Qua khảo sát, huyện có khả năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 4 xã Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Nà Nghịu và Chiềng Cang, với diện tích trồng cây ăn quả đến năm 2025 dự kiến đạt 11.000 ha. Trong đó, phát triển diện tích cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.000 ha. Hiện nay, Phòng đang phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các xã trọng điểm để xây dựng các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với các sản phẩm chủ lực; tiến hành khảo sát xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao tại một số xã trên địa bàn.
Hướng đến mục tiêu bền vững trong sản xuất nông nghiệp, huyện còn đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; khuyến khích đầu tư kho lạnh, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Hiện nay, toàn huyện có trên 2.900 lò sấy long nhãn, 3 kho lạnh bảo quản nông sản. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã”; năm 2021 UBND tỉnh Sơn La cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho 25 HTX; nhận văn bằng bảo hộ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm mía tím Sông Mã.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện triển khai các chương trình, dự án, mô hình phát triển chăn nuôi, thủy sản, như: Hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình phát triển chăn nuôi bò sinh sản trên nền đệm lót sinh học, quy mô 83 con bò lai Sind sinh sản tại HTX Toàn Phát, xã Nà Nghịu và HTX Mường Lầm, xã Mường Lầm; mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, quy mô 4.000 con tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, xã Chiềng Khoong và HTX Nông nghiệp Quốc Khánh, xã Đứa Mòn... Góp phần giảm chi phí và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng của vật nuôi.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng định hướng chiến lược đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, huyện Sông Mã phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện phát triển nhanh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!