Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường học tập để trẻ vui chơi, phát triển trí tuệ và năng khiếu.
Giờ học chữ và số của trẻ tại lớp mẫu giáo lớn trung tâm, Trường Mầm non Ngọc Lan, xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu, sôi động và hứng thú. Từng chữ cái được gắn với những con vật ngộ nghĩnh thu hút trẻ tập trung, chú ý hơn. Ở phần sáng tạo, học sinh được cắt, dán chữ cái như cô vừa hướng dẫn, rồi tự chọn màu sắc để tô chữ cái, hoặc số, tự cắt dán theo những trải nghiệm, sở thích và sự sáng tạo của mình.
Cô giáo Huỳnh Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan, chia sẻ: Trường có 307 học sinh, 23 cán bộ quản lý và giáo viên. Là 1 trong 4 trường của huyện được Sở GD&ĐT chọn làm điểm, nhà trường tận dụng không gian trồng cây xanh, tạo bóng mát, vườn cây, vườn rau của bé, vườn cổ tích để trẻ luyện tập phát triển vận động, bảo đảm an toàn khi vui chơi. Thiết kế các khu trò chơi dân gian với các nguyên vật liệu gần gũi thiên nhiên... Trong giảng dạy, giáo viên chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi và lựa chọn những phương pháp giáo dục phù hợp, bảo đảm trẻ "Học bằng chơi, chơi mà học".
Còn trên địa bàn Thành phố hiện có 22/22 trường mầm non thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Từ năm 2021 đến nay, Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường. Tổ chức các tiết thao giảng về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Tổ chức tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm việc quản lý, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học. Đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng, cải tạo trường, lớp, sân vườn, bổ sung đồ dùng, đồ chơi cho các trường, đáp ứng các tiêu chí trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Nhà giáo ưu tú Trần La Giang, Trưởng Phòng GD&ĐT Thành phố, cho hay: Hằng năm, phòng thành lập các đoàn khảo sát, kiểm tra đánh giá ưu điểm và hạn chế tại 100% các trường học trên địa bàn trong thực hiện các tiêu chí chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Năm học này, phòng tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả chuyên đề; chú trọng cải tạo, nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm trường khó khăn; đẩy mạnh bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; từ đó, nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Toàn tỉnh có 230 trường mầm non trên địa bàn 204 xã, phường, thị trấn. Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Cách thức phối hợp với phụ huynh và các tổ chức xã hội theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Trang bị tài liệu, hướng dẫn thực hiện chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên. Lựa chọn xây dựng mô hình điểm cấp tỉnh ở 30 trường mầm non thuộc 12 huyện, thành phố để nhân rộng.
Từ năm 2021 đến nay, từ các nguồn vốn của Nhà nước, tỉnh đã đầu tư xây dựng 308 phòng học, bếp ăn, nhà công vụ tại các trường mầm non, với tổng kinh phí trên 74,4 tỷ đồng; cải tạo khuôn viên, sân trường, bếp ăn, khu trải nghiệm và một số công trình phụ trợ khác, trị giá trên 18,7 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi mầm non, tổng trị giá gần 13 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 70% số trường mầm non được cải tạo, với 799 góc địa phương ngoài trời, 2.550 góc trong lớp; 456 khu vực được tổ chức cho trẻ chơi với cát, nước, sỏi; 184 khu vực chăn nuôi; 195 khu vực dân gian, 398 điểm trường có vườn rau; 149 điểm trường có khu vực cho trẻ trải nghiệm vườn cổ tích; 100% các điểm trường có vườn hoa, cây cảnh, góc thư viện thân thiện; góc địa phương được trang trí, sắp xếp đồ dùng đa dạng, phong phú, nổi bật bản sắc văn hóa và đặc trưng của địa phương, vùng miền, giúp trẻ khám phá, tìm hiểu địa phương, văn hóa, truyền thống và lịch sử đất nước.
Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, Sở GD&ĐT đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn trực tiếp và trực truyến cho 295 cán bộ quản lý và 2.215 giáo viên cốt cán các huyện, thành phố. Tại các địa phương, tổ chức 225 hội nghị tập huấn cấp huyện và 1.730 hội nghị cấp trường về chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Đến nay, toàn tỉnh có trên 90% số giáo viên bậc mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn; 149/230 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Bà Trịnh Thị Lan Anh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết: Đến nay, 100% các trường mầm non trong tỉnh triển khai thực hiện linh hoạt, khoa học và hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Qua khảo sát, đánh giá, sự phát triển của trẻ có nhiều chuyển biến rõ nét, 98% số trẻ đến trường có kỹ năng giao tiếp. Trẻ được trực tiếp trải nghiệm khám phá, biết quan sát và lắng nghe, biết đặt câu hỏi, suy nghĩ phù hợp khả năng, thực hành theo ý tưởng đủ 5 lĩnh vực phát triển tốt khi trẻ bước vào đầu cấp tiểu học.
Với giải pháp tích cực thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nâng lên rõ rệt. Ngành GD&ĐT tiếp tục bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ, giáo viên mầm non; tăng cường chuyển đổi số, tích cực ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến; đẩy mạnh nội dung cho trẻ làm quen với ngoại ngữ. Duy trì tốt phong trào làm đồ dùng, đồ chơi để phát triển môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động, ưu tiên vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!