Xây dựng mối quan hệ giữa trồng cây ăn quả và nghề nuôi ong mật

Ngày 25/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã phối hợp với Hội ngành nghề Nông nghiệp nông thôn và Hội Khoa học kinh tế, tổ chức Hội thảo tư vấn “Mối quan hệ giữa trồng cây ăn quả với nghề nuôi ong mật trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Hội thảo tư vấn "Mối quan hệ giữa trồng cây ăn quả và nghề nuôi ong mật trên địa bàn tỉnh".

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đã tạo cho Sơn La lợi thế về phát triển cây ăn quả. Từ năm 2017 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cây ăn quả, như: Nghị quyết 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017, quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 80/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 về Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn; Nghị số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… Đến năm 2023, toàn tỉnh có 84.784 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt 451.779 tấn; 20.000 ha cây cà phê và trên 6.000 ha cây cao su. Ngoài ra, còn có hoa cỏ lào, hoa ngô, hoa cỏ kim, hoa ngải cứu rừng…, là những lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi ong mật của tỉnh.

Mở rộng vùng cây ăn quả là lợi thế phát triển nghề nuôi ong mật.

Đến nay, toàn tỉnh có 48 chi hội nuôi ong mật, với 2.132 hội viên, nuôi 81.740 đàn ong. 7 HTX và cơ sở sản xuất kinh doanh mật ong. Tổng sản lượng mật ong trên địa bàn 5 năm trở lại đây (2018-2022) giao động từ 3.200 đến 3.500 tấn/năm; sản lượng phấn hoa đạt 200-230 tấn/năm; sản lượng sáp ong từ 230- 250 tấn/năm. Giá trị từ mật ong và các phụ phẩm từ ong khoảng 230-250 tỷ đồng/năm. Mật ong Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhân nhãn hiệu tập thể năm 2014; năm 2019 sản phẩm mật ong của một số cơ sở sản xuất, nông dân được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Nông dân Sông Mã kiểm tra đàn ong mật.

Tuy nhiên, quá trình chăm sóc cây ăn quả đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, điều này có thể gây ảnh hưởng đến đàn ong khi hút mật, lấy phấn; khi ong hút mật làm giảm sự thụ phấn tự nhiên của cây ăn quả, nhất là những cây cần thụ phấn chéo, có hoa đực và hoa cái riêng biệt. 

Hội ngành nghề Nông nghiệp nông thôn tham luận tại Hội thảo. 

Các đại biểu đã thảo luận, đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành xác định nghề nuôi ong mật nằm trong chuỗi tuần hoàn của kinh tế nông nghiệp và mật ong là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao để hoạch định chính sách lâu dài; hình thành hệ thống liên kết phù hợp giữa các HTX nuôi ong mật với HTX trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhằm xác định được sản phẩm mật ong của Sơn La trên bản đồ thế giới. Nghiên cứu và đề xuất với UBND tỉnh ban hành bổ sung danh mục hỗ trợ từ chính sách của tỉnh đối với nghề nuôi ong mật. Hỗ trợ quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong. Nghiên cứu các giải pháp giảm rủi ro cho người nuôi ong dưới tác động của thuốc bảo vệ thực vật tại vùng cây ăn quả và cây lương thực…

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo tư vấn.

Hội thảo đã phân tích, đánh giá làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa trồng cây ăn quả và việc nuôi ong mật trên địa bàn. Từ đó, tạo ra sự đồng thuận, hợp tác giữa trồng cây ăn quả với nghề nuôi ong mật, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới