Thời gian qua, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh trong việc chăm lo công tác giáo dục, chất lượng dạy và học của thầy và trò Trường Tiểu học Phiêng Ban, huyện Bắc Yên đã có những bước chuyển biến tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học.
Giờ học môn toán của cô và trò Trường Tiểu học xã Phiêng Ban (Bắc Yên).
Đến thăm Trường Tiểu học Phiêng Ban, ấn tượng đầu tiên của tôi về ngôi trường là khang trang, sạch sẽ. Điều đáng chú ý, sân trường có vườn cây bóng mát vừa là khu cho học sinh tập thể dục, thể thao, vừa là nơi vui chơi cho các em; bồn hoa cây cảnh được bố trí dọc theo sân trường và xung quanh khuôn viên trường. Được biết, để tạo cho học sinh có thói quen đọc sách, nhà trường đã xây dựng “Thư viện xanh” ngay tại khuôn viên nhà trường. Tại đây, có trên 200 đầu sách liên quan đến khoa học, văn học, toán học...
Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Giữa năm 2018, Trường Tiểu học Phiêng Ban được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Phiêng Ban 1 và Trường Tiểu học Phiêng Ban 2 theo Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định số 1733/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh Sơn La và Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của UBND huyện Bắc Yên. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Giáo dục và Đào tạo huyện, cùng sự nỗ lực khắc phục khó khăn khi sáp nhập, đến nay, cơ sở vật chất của nhà trường được củng cố và nâng cấp, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Năm học 2019-2020, nhà trường có 32 lớp với 557 học sinh; 100% là con em đồng bào dân tộc; 37 cán bộ, giáo viên được phân công giảng dạy ở các khối, lớp. Với định hướng xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia, nhà trường vừa tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, vừa từng bước bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học theo yêu cầu đạt chuẩn.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy và công tác chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhà trường, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phiêng Ban đã xây dựng các chỉ tiêu trong từng năm học; xây dựng kế hoạch chỉ đạo chuyên môn phù hợp, bảo đảm phát triển năng lực học sinh; tổ chức tập huấn các chuyên đề dạy học tích hợp trong các môn học; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phân công giáo viên kèm học sinh đọc yếu, viết chậm, chưa biết làm Toán. Đồng thời, để bài giảng đảm bảo chất lượng, 100% giáo viên đều thực hiện việc soạn giáo án trước ngày giảng và soạn theo phương pháp mới, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, hướng dẫn giảm tải, tích hợp nội dung lồng ghép trong các bài soạn đầy đủ; thường xuyên sử dụng đồ dùng dạy học trong các tiết dạy. Mặt khác, trao đổi nội dung, phương pháp giảng dạy cũng được các tổ chuyên môn tổ chức định kỳ 2 lần/tháng. Cô giáo Nguyễn Thị Hường, (Tổ trưởng tổ lớp 4, 5) thông tin: Căn cứ kế hoạch hoạt động, khung phân phối chương trình, kế hoạch năm học của nhà trường, tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. Nội dung chủ yếu tập trung vào các chuyên đề, như: Nâng cao khả năng Tiếng Việt và Toán cho các em học sinh dân tộc thiểu số; phương pháp giải toán lớp 3 đến lớp 5; sử dụng máy vi tính; học tập lồng ghép các hoạt động trải nghiệm... Bên cạnh đó, với đặc thù là địa bàn chủ yếu học sinh là người dân tộc thiểu số, các cán bộ, giáo viên nhà trường còn thường xuyên học và bồi dưỡng tiếng dân tộc cho bản thân và đồng nghiệp để tạo sự thân thiện trong giao tiếp với học sinh và phụ huynh học sinh.
Được biết, qua bình xét hàng năm, tỷ lệ học sinh chuyển lớp bình quân đạt 94,2%; tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 84,6%; năm học 2019-2020 có 25 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường... Những nỗ lực và kết quả đó đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, giúp các em học sinh vươn lên trong học tập, thực hiện ước mơ, hoài bão.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!