Những ngày này, các trường học trên địa bàn huyện Thuận Châu đang tập trung chuẩn bị các điều kiện để bước vào năm học mới, với mục tiêu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Chúng tôi đến Trường TH-THCS Long Hẹ sau trận mưa khá to. Không quản thời tiết bất lợi, cán bộ, giáo viên nhà trường đang tích cực dọn vệ sinh khuôn viên, chuẩn bị trang thiết bị, sách vở, cơ sở vật chất phục vụ bán trú, để những học sinh vùng cao nơi đây có một năm học mới đầy đủ, thuận lợi hơn.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Long Hẹ, thông tin: Nhà trường hiện có 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên; có 18 lớp tiểu học, 10 lớp THCS; 1 điểm trường lẻ tại bản Cha Mạy, cách trung tâm xã 14 km. Trường đã huy động phần lớn các cháu ở điểm trường lẻ về học tập và bán trú tại trường trung tâm, để thuận lợi cho công tác quản lý cũng như dạy và học của giáo viên và học sinh. Năm nay, trường có trên 900 học sinh, trong đó gần 700 học sinh bán trú. Ngay từ đầu tháng 8, Ban Giám hiệu đã huy động toàn bộ giáo viên phối hợp với chính quyền địa phương vận động học sinh ra lớp để đảm bảo các cháu trong độ tuổi đều được đến trường.
Tại Trường PTDT bán trú THCS Co Mạ, với đặc thù là xã có địa bàn rộng, có nhiều bản cách xa trường, nên đa số các em ở bán trú tại trường. Tuy nhiên, nhà trường còn thiếu nhà ở bán trú, chưa đáp ứng được chỗ ăn, ở cho các em. Dù vậy, các năm học, sỹ số học sinh duy trì trên 97%. Năm học mới, trường có 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên soạn bài bằng máy tính và dạy học bằng công nghệ trình chiếu.
Thầy giáo Nguyễn Tất Anh, Phó Hiệu trưởng rường PTDT bán trú THCS Co Mạ, cho biết: Trường có 16 lớp, với trên 630 học sinh, trong đó hơn 500 học sinh bán trú (160 học sinh ở bán trú, còn lại được hưởng chế độ ăn bán trú). Ngay từ đầu tháng 8, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã tham gia công tác tu sửa, dọn dẹp cơ sở vật chất của trường để chuẩn bị đón năm học mới. Điều chúng tôi lo nhất là, các cháu phải ở trọ bên ngoài nhà trường; tình trạng thiếu nước sinh hoạt khiến trường gặp khó trong việc tổ chức bán trú và sinh hoạt của học sinh bán trú. Tuy đã được hỗ trợ 2 giếng khoan, nhưng 1 giếng đã hỏng, giếng còn lại không cung cấp đủ nhu cầu nước; rất mong các cấp chính quyền sớm khắc phục tình trạng này.
Năm học 2023 - 2024, huyện Thuận Châu có 78 trường học (29 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 15 trường THCS, 16 trường TH-THCS), với trên 45.600 học sinh; gần 2.400 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đến nay, cán bộ quản lý, giáo viên đã được tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 đầy đủ theo yêu cầu của ngành. Công tác trang bị sách giáo khoa của học sinh các trường cơ bản đầy đủ, đảm bảo mỗi học sinh có 1 bộ sách giáo khoa trước ngày 15/8. Tranh thủ mọi nguồn lực, huyện cũng đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh bước vào năm học mới.
Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, thông tin: Để đảm bảo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh, huyện đã đầu tư trên 17,3 tỉ đồng xây dựng, sửa chữa trường, lớp học cho 19 trường học; đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng mua sắm máy tính cho 35 trường học; trên 1,2 tỉ đồng mua sắm bàn ghế cho 25 trường; 160 triệu đồng mua phần mềm quản lý thư viện cho 10 trường học.
Phòng cũng đã chỉ đạo các trường nấu ăn bán trú sắp xếp đồ dùng nhà bếp, nhà ăn, đồ dùng cá nhân, như: Chăn, màn, giường chiếu; cặp lồng, bát, đũa, thìa... gọn gàng, sạch sẽ. Các trường có kho thực phẩm được sắp xếp khoa học, lập sổ theo dõi thực phẩm nhập kho, xuất kho; nhân viên nấu ăn sử dụng bảo hộ lao động theo quy định; sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thực hiện việc yêu cầu công dân nộp xác nhận thông tin về cư trú trong công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024, Phòng GD-ĐT huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hướng dẫn tuyển sinh vào các lớp đầu cấp và thông báo tuyển sinh của các đơn vị trực thuộc. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn nghiêm túc thực hiện yêu cầu về thu hồ sơ tuyển sinh đảm bảo đúng quy định, không gây phiền hà, không tạo áp lực cho cha mẹ học sinh. Đối với hồ sơ chế độ của học sinh, chỉ thu xác nhận thông tin nơi cư trú 1 lần đối với học sinh tuyển mới.
Bên cạnh đó, 100% số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS trong huyện đã cài đặt ứng dụng VneID, có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số. Về công tác tuyển sinh năm học 2023 - 2024, 100% các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện thực hiện tuyển sinh đúng theo hướng dẫn hồ sơ đơn giản, không gây phiền hà đến các bậc phụ huynh.
Đầu tháng 8 vừa qua, Phòng GD-ĐT huyện đã bàn với Công an tỉnh triển khai Dự án “Nuôi em Mộc Châu” tại huyện Thuận Châu. Bước đầu tạo được sự thống nhất giữa 6 trường thuộc 6 xã vùng cao của huyện triển khai dự án, với hơn 1.000 mã nuôi em, tương đương với gần 1,5 tỉ đồng. Khi chương trình được triển khai, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên toàn huyện, sẽ góp phần tạo điều kiện cho học sinh tham gia học tập đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng để phát triển thể chất và tinh thần.
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, huyện Thuận Châu đã sẵn sàng bước vào năm học mới với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!