Tạo hứng thú học tập và rèn luyện kỹ năng cho học sinh

Hoạt động trải nghiệm là nội dung quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng lồng ghép, đa dạng các hoạt động trải nghiệm, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh.

Giọng nữ
Trải nghiệm kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học Tô Hiệu, thành phố Sơn La.

Toàn tỉnh hiện có 610 trường học, với hơn 375.000 học sinh. Trước đây, các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được các trường triển khai bằng hình thức xã hội hóa. Ngày 18/4/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 55/2023/NQ-HĐND quy định các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La, quy định rõ về mức thu hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là 25.000-35.000 đồng/buổi. 

Hằng năm, căn cứ từng bậc học, các trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, gắn với các chủ đề, chủ điểm. Nội dung hoạt động trải nghiệm mang tính giáo dục và hình thành, phát triển năng lực học sinh. Theo đó, bậc mầm non, tiểu học tập trung vào các hoạt động khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô, người thân trong gia đình; tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh... Bậc trung học cơ sở chú trọng hoạt động xã hội, hoạt động hướng nghiệp. Bậc trung học phổ thông, ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, còn giúp học sinh tự đánh giá năng lực, sở trường để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa kỹ năng trong trường học đã giúp học sinh nắm vững kiến thức và khuyến khích sự sáng tạo, phát triển kỹ năng sống, tạo môi trường học tập tích cực. 

 Một buổi ngoại khóa của Trường Tiểu học Ít Ong, huyện Mường La.
Ảnh: Lam Giang

Các nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, phương thức, không gian, thời gian phù hợp trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh. Các trường đa dạng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, như: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Tạo điều kiện học sinh có những chuyến đi xa thú vị, được trải nghiệm cùng thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh đưa học sinh tham quan các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương để các em có cơ hội bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông. Ngoài ra, các trường còn xây dựng hệ thống tư liệu, tranh, ảnh, video... để đưa vào giảng dạy. Đến nay, tất cả các trường học từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông đều đã thành lập các câu lạc bộ phát triển năng khiếu, rèn luyện kiến thức, kỹ năng cho học sinh. 

Tiết ngoại khóa của học sinh lớp mẫu giáo lớn Trường Mầm non Ngọc Lan, xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu.

Với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, những hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống đã giúp các em học sinh có thêm những kiến thức từ thực tế cuộc sống và rèn luyện tính tự lập, sinh hoạt tập thể, hiểu trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội. Để hoạt động trải nghiệm được tổ chức hiệu quả hơn, các nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động khoa học và phù hợp. Đồng thời, có sự phối hợp tích cực từ phụ huynh và học sinh, góp phần đào tạo những thế hệ học sinh có đức - trí - thể - mỹ.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn thăm quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Các ý kiến

 

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới