Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra mục tiêu, năm 2025, toàn tỉnh tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 70,1%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã góp phần phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Giọng nữ
Trường Tiểu học Cò Nòi, huyện Mai Sơn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Thêm nguồn lực xây dựng trường, lớp

Từ trung tâm huyện Sông Mã, vượt cung đường hơn 50 km, chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Pú Bẩu. Là xã khó khăn nhất trên địa bàn huyện, nhưng với sự nỗ lực của nhà trường, tháng 10/2024, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Dẫn chúng tôi thăm khuôn viên xanh - sạch - đẹp, trường lớp khang trang, những khóm hoa, cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt, thầy giáo Lê Quyết Chiến, Hiệu trưởng, cho biết: Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương bố trí nguồn lực, cùng với các đơn vị tài trợ và phát huy nội lực của tập thể giáo viên, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân đã xây dựng được ngôi trường khang trang, với 26 phòng học kiên cố; các phòng chức năng tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật được trang bị đầy đủ. Hiện nay, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.

Trong niềm vui của những ngày đầu xuân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã Nguyễn Công Viên, phấn khởi: Cuối năm 2024, huyện được công nhận mới thêm 1 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn lên 52/53 trường. Kết quả này giúp ngành thực hiện đổi mới giáo dục, triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và vượt chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước năm 2022, Trường Tiểu học Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, còn thiếu giáo viên và các phòng học, phòng chức năng. Trường đã tham mưu với các cấp, các ngành đầu tư nâng cấp trường học; khuyến khích giáo viên tự trau dồi kiến thức; phân công giáo viên giỏi, tổ trưởng chuyên môn giúp giáo viên còn hạn chế về nghiệp vụ. Cô giáo Trương Thị Kim Thoa, quyền Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Năm học 2023-2024, từ nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng 10 phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng; thư viện xanh và được các cơ quan chuyên môn đánh giá hoàn thành 5 tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ I.

Thực hiện kế hoạch theo từng năm học triển khai thực hiện công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã huy động các nguồn vốn của Nhà nước và nguồn xã hội hóa giáo dục đầu tư các hạng mục công trình cơ bản, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa phòng học, các phòng chức năng theo kế hoạch, đầu tư thiết bị dạy học. Từ năm 2023 đến nay, đã hoàn thành 8 dự án xây dựng tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện: Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Mường La, Yên Châu, Thuận Châu; trung học phổ thông Mộc Lỵ, trung học phổ thông Co Mạ. Đồng thời đã lồng ghép các nguồn vốn xây mới, sửa chữa hàng trăm phòng lớp học, bếp ăn bán trú, nhà ở học sinh và các công trình phụ trợ. Đến nay, toàn tỉnh có 415/596 trường đạt chuẩn quốc gia. Tiêu biểu là huyện Quỳnh Nhai có hơn 94% số trường đạt chuẩn quốc gia; Sông Mã trên 92%; Thành phố 82% và Mộc Châu hơn 72%.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định;  đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo các bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Đến nay toàn ngành có 1.674 cán bộ quản lý, 19.846 giáo viên và 1.996 nhân viên. Trong đó, giáo viên và cán bộ quản lý có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn bậc mầm non đạt 92,6%, tiểu học đạt 80,2%, THCS đạt 88,6%, THPT và giáo dục thường xuyên đạt 100%. Có 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 430 thạc sĩ, 16.920 đại học, 4.046 cao đẳng, còn lại là trung cấp và trình độ khác.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, cho biết: Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã lan tỏa rộng khắp, từ các trường trung tâm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao của tỉnh. Từ đó chất lượng giáo dục cho học sinh được nâng lên.

Tỉnh ta giữ vững kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học và xóa mù chữ đạt mức độ 2. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm sau cao hơn năm trước; học sinh đạt các giải tại các cuộc thi cấp khu vực, cả nước và quốc tế ngày càng tăng. Đặc biệt, thành phố Sơn La được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là thành viên trong mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu.

Đón năm mới, ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện, triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, công tác xã hội hóa giáo dục, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới