Phân luồng học sinh góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phân luồng học sinh có ý nghĩa quan trọng định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của các em học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”.

Giọng nữ

Trước năm 2018, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS lên THPT toàn tỉnh đạt trên 63%. Số học sinh vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên sau khi tốt nghiệp THCS chiếm 10%/năm so với tổng số học sinh lớp 9, chỉ có hơn 5% học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề, còn lại tham gia thị trường lao động. Đối với học sinh THPT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đăng ký dự thi đại học, cao đẳng chiếm 70% và khoảng 6% vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề.

Hàng năm, các trường học trong tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp, lồng ghép nội dung tư vấn hướng nghiệp vào các tiết học và sinh hoạt để các em hiểu về năng lực, sở trường của bản thân, cũng như xu hướng, nhu cầu nghề nghiệp của xã hội. 

Dạy nghề chăm sóc sắc đẹp cho các học viên tại Trung tâm GDTX tỉnh.

Thực hiện Đề án số 522 của Thủ tướng Chính phủ về “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025", Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với Sở GD&ĐT liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng, các trường trung tâm GDTX thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh. Đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh đào tạo nghề, thị trường lao động và dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực.

Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối thông tin tuyển dụng lao động và tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giải quyết đầu ra cho người học. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, định hướng học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ theo mục tiêu phân luồng của tỉnh. 

Trường Cao đẳng Sơn La giới thiệu tuyển sinh cho học sinh Trường THPT Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Việc giảng dạy các tiết giáo dục hướng nghiệp theo chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành được các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Cấp THCS, các tiết giáo dục hướng nghiệp được giáo viên chủ nhiệm cuối cấp hoặc tổng phụ trách đội triển khai. Trong đó, có 9 chủ đề theo sách giáo khoa năm học cuối cấp (lớp 9). Cấp THPT, có 25 chủ đề ở cả 3 khối lớp, trong đó, lớp 10 có 9 chủ đề, lớp 11 có 8 chủ đề, lớp 12 có 8 chủ đề.

Hiện nay, Trung tâm GDTX tỉnh có 37 cán bộ quản lý, giáo viên, với 26 lớp, hơn 1.000 học viên. Ngoài được học 8 môn văn hóa cơ bản theo quy định của Bộ GD&ĐT, trung tâm còn ký hợp đồng với các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh dạy nghề điện nước, tin học ứng dụng, nuôi trồng thủy sản, chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn... giúp các em chọn học nghề phù hợp với bản thân.

Em Hà Văn Tuân, lớp 12D, Trường Trung tâm GDTX tỉnh, chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp THCS, được thầy, cô tư vấn, em chọn vừa học văn hóa vừa học nghề chế biến món ăn. Việc học song hành này giúp em khi ra trường có 2 bằng tốt nghiệp, có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 11 trường trung tâm GDTX các huyện và 1 Trường Trung tâm GDTX tỉnh thực hiện công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo học sinh, học viên. Công tác hướng nghiệp được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, như: Nói chuyện, tư vấn trực tiếp tại trường học; tổ chức hội thảo, phát tờ rơi. Ngoài ra, còn liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp ở các tỉnh, thành phố tham gia hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Từ năm 2022 đến nay, có 9 trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển sinh liên kết đào tạo trình độ trung cấp tại các trung tâm GDTX, với 2.831 học viên. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh chủ động thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp, tuyên truyền tuyển sinh tại các trường THPT, phổ thông DTNT, trung tâm GDTX, THCS trên địa bàn tỉnh.

Học nghề sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ tỉnh.

 Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh, cho biết: Hằng năm, trường đào tạo từ 800 - 1.000 học viên hệ cao đẳng, trung cấp và 1.200 học viên hệ sơ cấp. Quá trình đào tạo, trường thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho học viên thực tập nâng cao và hoàn thiện kỹ năng nghề. Sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ học viên có việc làm ổn định, như: Nghề công nghệ ô tô, hàn, xây dựng và điện công nghiệp đạt 80-85%; công nghệ thông tin đạt 50-55%, thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, các trường phổ thông, cơ sở GDNN, công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Từ năm 2021 đến nay, Trường Đại học Tây Bắc và các cơ sở GDNN đã tuyển sinh và đào tạo 68.093 lao động, thuộc trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,47%; trong đó, số lao động đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ là 26,9%, tăng 6,9% so với đầu nhiệm kỳ.

Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có 80% số trường phổ thông cấp THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp, gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 35% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% số học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Các cơ sở giáo dục trong tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh, như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân. Đồng thời, phát triển đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên hướng nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, chuyên đề về giáo dục hướng nghiệp cho giáo viên, để trang bị lý thuyết, kỹ năng thực hành thực hiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp hiệu quả. Mở rộng quy mô các trường công lập; tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2024. 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho học sinh, học viên sau tốt nghiệp. Cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường thực hành, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo. Hợp tác với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hình thành các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Với những giải pháp cụ thể, đảm bảo phân luồng học sinh phổ thông theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới