Thư viện xanh, thư viện thân thiện được bố trí tại sân trường, không gian đọc thoáng mát, linh động, với nhiều loại sách... tạo môi trường đọc hiệu quả cho các em học sinh là mô hình đã và đang được xây dựng tại một số trường học trên địa bàn huyện biên giới Sốp Cộp.
Thư viện xanh, thư viện thân thiện Trường Tiểu học - THCS Sốp Cộp, xã Sốp Cộp
thu hút các em học sinh đọc sách trong giờ ra chơi.
Mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp triển khai trên địa bàn từ năm học 2015 - 2016, đến nay toàn huyện đã có 7 trường học triển khai mô hình thư viện này. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cho biết: Mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện phù hợp với phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, sự sáng tạo và chủ động tiếp thu kiến thức của các em. Đặc biệt, đa số học sinh trong huyện là người dân tộc thiểu số nên các thư viện xanh đã hỗ trợ tốt cho các em tăng cường khả năng đọc, hiểu, viết tiếng Việt. Hơn nữa, mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện còn góp phần xây dựng trường học “xanh-sạch-đẹp”.
Để triển khai mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện, các trường học trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã xây dựng kế hoạch, cân đối kinh phí, kêu gọi cán bộ giáo viên, phụ huynh và các nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ để mua sắm tủ sách, vật liệu thư viện... Đồng thời, các nhà trường chỉ đạo các thầy, cô giáo và các em học sinh dành thời gian sắp xếp, trang trí, tạo không gian gần gũi, thân thiện; phân công cán bộ quản lý thư viện thường xuyên kiểm tra, bảo quản các loại sách của thư viện; định kỳ thay đổi sách 1 lần/quý để tránh nhàm chán và cung cấp thêm thông tin, tri thức cho học sinh. Bên cạnh đó, để khuyến khích các em đến với thư viện xanh, thư viện thân thiện, các nhà trường đã đưa tiết học thư viện vào chương trình; chỉ đạo Liên đội TNTP Hồ Chí Minh của trường và cán bộ thư viện tổ chức lồng ghép hoạt động ngoại khóa với Ngày hội đọc sách. Tại các Ngày hội, học sinh được đọc, tìm hiểu những cuốn sách hay, được tham gia các trò chơi, hội thi kể chuyện, biểu diễn tiểu phẩm theo nội dung các cuốn sách; quyên góp, ủng hộ sách...
Tại Trường Tiểu học-THCS Sốp Cộp, thư viện xanh xây dựng từ năm học 2016-2017, gồm 3 tủ sách di động, với gần 120 đầu sách các loại. Tủ sách được thiết kế hình ngôi nhà có lắp bánh xe, dễ dàng di chuyển trong sân trường, giúp thay đổi không gian đọc một cách linh động. Mỗi tủ sách có 3 kệ, trưng bày các loại sách, truyện thiếu nhi, tạp chí Dân tộc miền núi, sách văn học, truyện cổ tích, truyện cười... Đây là địa điểm thu hút đông đảo các em học sinh trong giờ ra chơi. Em Tòng Thị Hạnh, học sinh lớp 6A, chia sẻ: Giờ ra chơi, em thường xuống sân trường để đọc sách cùng bạn bè. Chúng em chọn đọc truyện cười, tạp chí và các tập thơ. Đến đọc sách tại thư viện này, chúng em trò chuyện, trao đổi về nội dung cuốn sách một cách thoải mái mà không sợ làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh.
Để hình thành văn hóa đọc trong học sinh, ngoài xây dựng thư viện xanh tại khuôn viên sân trường, Trường Tiểu học-THCS Dồm Cang còn có cách làm rất sáng tạo. Đó là, phát động xây dựng các thư viện thân thiện trong các lớp học đối với khối tiểu học. Nói về điều này, thầy giáo Phạm Ngọc Thuận, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Các em học sinh bậc tiểu học, nhất là khối lớp 1, 2 còn nhỏ, chưa quen đến thư viện tìm sách đọc, nên nhà trường chỉ đạo các lớp xây dựng thư viện thân thiện trong lớp học, gồm các tủ sách thấp, vừa tầm với của học sinh, trong đó trưng bày các cuốn sách thiếu nhi, truyện tranh... Những tủ sách này đã thu hút học sinh, qua đó tạo thói quen đọc sách cho các em để nâng cao kiến thức.
Mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện trong trường học trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã và đang góp phần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em tiếp cận tri thức, phục vụ hiệu quả cho học tập và cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, tại các thư viện, số lượng đầu sách chủ yếu là do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cung cấp, một phần do các thầy, cô giáo trong trường ủng hộ. Do đó, chưa thực sự phong phú các thể loại, chủ yếu vẫn là sách sách giáo khoa, sách tham khảo, tạp chí thiếu nhi..., hơn nữa, mô hình hầu như mới chỉ xây dựng tại các điểm trường trung tâm. Để nhân rộng mô hình, ngoài đầu tư của các trường học, rất cần sự chung tay đóng góp của cộng đồng, của phụ huynh học sinh để tăng cường thêm cơ sở vật chất, số lượng và chủng loại sách, báo... hỗ trợ các em học sinh nâng cao kiến thức toàn diện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!