Gieo chữ nơi vùng cao Ta Vắt

Từ Trung tâm xã biên giới Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, sau gần 2 tiếng đồng hồ "đánh vật" với 10 km đường xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, quanh co, dốc cao, đá lởm chởm, vượt qua các khe suối lớn nhỏ, chúng tôi mới đến được điểm trường mầm non, tiểu học bản Ta Vắt.

Điểm trường mầm non, tiểu học bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn.

Đó cũng là cung đường quen thuộc mà 4 năm qua cô giáo trẻ Lầu Thị Mỷ, Trường Mầm non Phiêng Pằn, cùng đồng nghiệp phải vượt qua để đến trường. Phải có nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, mới giúp những giáo viên nơi đây vượt khó mang con chữ đến với trẻ em ở vùng cao biên giới này.

Cô giáo Lầu Thị Mỷ chia sẻ: Nhà tôi ở huyện Thuận Châu, vì vậy, tôi phải dậy đi từ 4 giờ sáng để đến điểm trường. Khó khăn nhất là đường từ trung tâm xã đến điểm trường chủ yếu là đường đất, sỏi đá gồ ghề, dốc cao, trơn trượt, nên việc đi lại rất khó khăn. Vào mùa khô thì không sao, nhưng vào ngày mưa, đường rất trơn trượt, đi một đoạn, bùn đất lại dính chặt vào bánh xe,  không thể đi được và việc bị ngã xe điều không thể tránh khỏi. Có những hôm mất nửa ngày mới đến được điểm trường.

Đường đến điểm trường bản Ta Vắt.

Cùng đồng hành với cô giáo Mỷ nhiều năm nay tại điểm trường Ta Vắt, cô giáo Vì Thị Thảo cho biết: Có những hôm trời mưa, đường quá trơn, lầy lội, không đi nổi, chúng tôi phải bỏ xe giữa đường để đi bộ đến trường cho kịp giờ dạy. Khổ nhất là vào những đợt mưa kéo dài, chúng tôi phải ở lại điểm trường hàng tháng trời, quần áo, lương thực thực phẩm không đủ dùng. Vì vậy, mỗi khi về nhà, chúng tôi phải chủ động mang theo nhiều thực phẩm, chủ yếu là mỳ tôm, cá khô, đồ hộp đóng sẵn… để dự phòng.

Điểm trường mầm non bản Ta Vắt hiện có 5 giáo viên giảng dạy 4 lớp, với tổng số 75 trẻ từ 2 đến 5 tuổi là con em của đồng bào dân tộc Sinh Mun. Do điểm trường xa, giao thông đi lại khó khăn nên các giáo viên phải ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà. Cơ sở vật chất phòng lớp học đã được xây kiên cố, nhưng còn thiếu đồ dùng giảng dạy và đồ chơi, sân chơi cho trẻ... Các cô phải tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy bằng chai lọ, bìa cát tông...

Hành trình của các cô giáo đến điểm trường bản Ta Vắt.

Cô giáo Lầu Thị Mỷ chia sẻ thêm: Giảng dạy ở điểm trường vùng cao này còn có nhiều khó khăn khác, đó là đời sống của bà con còn vất vả, thiếu thốn, nên việc học của con em mình đều giao phó cho nhà trường. Việc nói và hiểu tiếng phổ thông của các con còn nhiều hạn chế, dẫn đến tiếp thu bài học chậm. Vì vậy, chúng tôi phải giảng bằng cả tiếng dân tộc cho các con hiểu; hướng dẫn các con từ cách vệ sinh cá nhân. Công tác xa nhà có nhiều thiệt thòi khó khăn, vất vả, nhưng học sinh luôn là động lực để chúng tôi bám trường, bám lớp, nỗ lực gieo chữ.

Giáo viên Trường Mầm non Phiêng Pằn làm đồ dùng dạy học bằng các phế liệu.

Ta Vắt là bản đặc biệt khó khăn của xã Phiêng Pằn, có hơn 170 hộ, trên 840 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Sinh Mun. Ông Lò Văn So, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Do địa hình chủ yếu là đồi núi, nên thiếu mặt bằng xây dựng trường lớp học. Bên cạnh đó, đường giao thông đi lại khó khăn, có nhiều khe suối, việc đi học của các cháu rất vất vả, nguy hiểm khi trời mưa. Nhân dân trong bản mong muốn bản sớm có đường thuận tiện để trao đổi hàng hoá thuận lợi hơn, các cô giáo và con trẻ đỡ vất vả.

Cô giáo Nguyễn Thị Lựu, Hiệu trưởng Trường mầm non Phiêng Pằn, cho biết: Ngoài điểm trường trung tâm, nhà trường còn có 14 điểm trường tại các bản, hầu hết đều rất khó khăn do chưa có đường giao thông thuận lợi; trong đó có điểm trường bản Ta Vắt. Với 59 cán bộ, giáo viên đều là nữ, để giúp các cô bớt khó khăn, nhà trường thực hiện luân phiên một năm giảng dạy ở điểm lẻ khó khăn, thì năm sau sẽ chuyển đến điểm thuận lợi hơn.

Một giờ học của cô và trò điểm trường mầm non bản Ta Vắt.

Rời điểm trường Ta Vắt khi cô và trò đang miệt mài trong giờ học, tiếng trẻ ê a học bài vang cả một góc rừng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu thương, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, các giáo viên nơi đây đang nỗ lực vượt khó để “cõng” những con chữ lên non, với khát vọng ươm những “mầm xanh” trên vùng đất khó.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới