Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, điều đó thể hiện vai trò của giáo dục đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đảng ta cũng luôn coi giáo dục là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, vai trò của giáo dục càng trở nên quan trọng và mang tính quyết định đối với phát triển bền vững của quốc gia.
Cơ sở vật chất Trường Phổ thông DTNT Quỳnh Nhai được đầu tư xây dựng khang trang.
Ảnh: Ngọc Thuấn
Hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại tác động tới các mặt của phát triển bền vững. Về kinh tế, hệ thống giáo dục sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội để kết hợp hiệu quả nguồn lực vốn (gồm cả tài chính, tài nguyên...) với khoa học công nghệ, nhằm tạo năng suất tổng hợp (TFP) ngày càng cao, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Về xã hội, sản phẩm của một hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại thể hiện ở những con người được đào tạo có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ cao, nhận thức đúng đắn về xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, có tình yêu đất nước, quê hương, có triết lý sống nhân văn, có lòng vị tha, bao dung..., là nền tảng để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, an toàn hơn, hạn chế phân hóa giàu nghèo và tình trạng bạo lực, bất bình đẳng trong xã hội, hạn chế các tệ nạn xã hội như ma túy, tham ô, tham nhũng... Như vậy, giáo dục sẽ giúp cho tính bền vững trong xã hội được tăng lên. Về môi trường, con người được giáo dục tốt tất yếu sẽ nhận thức đúng đắn giá trị của môi trường, có ý thức trách nhiệm tốt hơn để bảo vệ môi trường sống. Không chỉ biết tiết kiệm tài nguyên, con người còn có thể tái tạo, tìm những tài nguyên thay thế và có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường, phòng, tránh những hiểm họa về môi trường, thiên tai cho xã hội hiện tại và mai sau.
Giờ tin học của học sinh Trường phổ thông DTNT Quỳnh Nhai.
Ảnh: Ngọc Thuấn
Xác định rõ vai trò của giáo dục đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh ta đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Vẫn còn tình trạng học sinh học xong tiểu học mà chưa đọc thông, viết thạo; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2019 của tỉnh xếp thứ 62/63 tỉnh trong toàn quốc... Tuy nhiên, dưới góc độ đầu tư cho giáo dục, có thể nói rằng, Sơn La vẫn còn nằm trong số các địa phương có nhiều khó khăn bất cập về cả nguồn nhân lực, vật lực và tài lực, cụ thể là:
Thứ nhất, về nguồn nhân lực, hiện ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh ta có 22.367 lao động, số lượng giáo viên còn thiếu nhiều ở hầu hết các cấp học, chưa đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ giáo viên trên lớp ở mẫu giáo là 1,37 giáo viên/lớp, tiểu học là 1,25 giáo viên/lớp; THPT là 2 giáo viên/lớp. Trong khi đó, quy định của Bộ GD&ĐT đối với mẫu giáo là 2,2 giáo viên/lớp, tiểu học 1,5 giáo viên/lớp và THPT là 2,25 giáo viên/lớp (so với các tỉnh lân cận trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc thì tỷ lệ này của tỉnh ta đang thấp hơn). Trình độ, năng lực nhiều giáo viên còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nếu thực hiện theo Luật Giáo dục năm 2019, thì số giáo viên chưa đạt chuẩn còn hơn 4.000 giáo viên. Nếu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, từ năm 2020 đến hết năm 2025, giáo viên của tỉnh cần tăng về số lượng, nâng cao hơn về chất lượng và điều chỉnh về cơ cấu giáo viên giữa các môn học. Đây là một bài toán khó trong giai đoạn hiện nay.
Một tiết học của cô và trò Trường PTDT bán trú THCS xã Hang Chú (Bắc Yên).
Ảnh: Phan Thảo
Thứ hai, về cơ sở vật chất trường, lớp: Những năm gần đây, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh Sơn La đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh có 596 trường mầm non và phổ thông, toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nên nhiều trường có quy mô quá lớn, phân tán, có quá nhiều điểm trường, lớp vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT; nhiều lớp mầm non, tiểu học phải ghép 2-3 độ tuổi hoặc 2-3 trình độ; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, số lượng học sinh được học tin học, ngoại ngữ còn quá thấp so với nhiều tỉnh miền núi và toàn quốc. Các công trình nhà làm việc, phòng chức năng, nhà ăn, ở bán trú, công trình vệ sinh, nước sạch... của các cơ sở giáo dục đã được quan tâm đầu tư, nhưng còn đang rất thiếu ở tất cả các cấp học, bậc học. Với bậc trung học phổ thông, tỷ lệ đáp ứng theo quy định cao hơn so với các cấp học dưới, nhưng vẫn còn khá thấp so với quy định của Bộ GD&ĐT (thiết bị dạy học đạt 48,2%; phòng học bộ môn 69,8%; thiết bị dùng chung 67,6%; thiết bị nhà ở nội trú 63,6%; thiết bị nhà bếp 45,8%...).
Khu vui chơi của học sinh Trường Mầm non Mường Sang (Mộc Châu).
Ảnh: Thu Thảo
Thứ ba, về tài chính cho giáo dục: Chính sách về tài chính đối với giáo viên, học sinh vẫn còn nhiều khó khăn, eo hẹp, kinh phí để hỗ trợ cho giáo viên cốt cán tham gia thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang thiếu nguồn chi trả; kinh phí để dạy thêm cho học sinh như bù đắp kiến thức, ôn luyện cho học sinh chưa được bố trí...
Giờ ăn bán trú của các em học sinh Trường Tiểu học Co Mạ 1, xã Co Mạ (Thuận Châu).
Ảnh: Duy Tùng
Trước những khó khăn, bất cập nêu trên, để cải thiện chất lượng giáo dục và cũng chính là đẩy mạnh phát triển bền vững, tỉnh ta cần quan tâm đầu tư cho các nguồn lực của giáo dục thông qua việc thực hiện đồng bộ một số giải pháp, như: Phấn đấu đảm bảo đủ số lượng nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đội ngũ giáo viên, viên chức đến nhân viên trong các cơ sở giáo dục. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để có kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng quy định theo chuẩn giáo viên của Luật Giáo dục năm 2019. Đồng thời, có kế hoạch điều chuyển, sắp xếp công tác đảm bảo cơ cấu giáo viên phù hợp với cơ cấu môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Quan tâm bố trí đủ biên chế giáo viên theo định mức quy định và đảm bảo chế độ chính sách đối với giáo viên, như chính sách hỗ trợ giáo viên cốt cán, chính sách dạy thêm giờ ôn luyện cho học sinh và thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với học sinh, nhất là học sinh ở các trường nội trú, bán trú, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống các trường, lớp và đảm bảo cơ cấu, số lượng các trang thiết bị của trường, lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục với nghĩa rộng, không chỉ bó hẹp về đầu tư tài chính, cơ sở vật chất. Có như vậy, nền giáo dục của Sơn La mới phát triển một cách toàn diện.
Cầm Văn An (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!