Cùng với 365 thành phố của 79 quốc gia, 11 thành phố của khu vực Châu Á, ngày 14/2/2024, thành phố Sơn La vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”.
Với khẩu hiệu “Học suốt đời, văn hóa bền, tương lai sáng, hội nhập sâu rộng”, thành phố Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu có sáng kiến được UNESCO công nhận và vinh danh giải thưởng “Thành phố học tập toàn cầu” giai đoạn đến năm 2030, tiếp tục khẳng định vị thế của Sơn La trên bản đồ giáo dục thế giới.
Nhân rộng “Ngôi nhà trí tuệ”
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, được UNESCO công nhận và vinh danh giải thưởng “Thành phố học tập toàn cầu”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành kết luận về tăng cường lãnh đạo xây dựng thành phố Sơn La đáp ứng các tiêu chí thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất giáo dục, đẩy mạnh việ xây dựng và phát triển các không gian học tập cộng đồng, xây dựng các mô hình học tập sáng tạo, như "Ngôi nhà trí tuệ" và "Thư viện nhân ái", tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận tri thức suốt đời.
Đồng chí Hà Trung Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố Sơn La học tập toàn cầu, cho biết: Sau hơn 7 tháng được ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”, đến nay, Thành phố đã có 35 “Ngôi nhà trí tuệ” và 8 “Thư viện nhân ái” tại các tổ, bản, trường học ra mắt và hoạt động. Tại đây, nhiều hoạt động thiết thực, từ việc tìm kiếm, đọc sách, báo đến tham gia các trò chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, thu hút đông đảo người dân tham gia. "Ngôi nhà trí tuệ" đã trở thành điểm đến quen thuộc, góp phần thúc đẩy xây dựng cộng đồng học tập và xã hội học tập trên địa bàn Thành phố.
"Ngôi nhà trí tuệ" tổ 9, phường Chiềng Lề hoàn thành đưa vào hoạt động từ tháng 5/2024. Ngôi nhà được bố trí gian riêng tạo không gian sinh hoạt thuận tiện cho công dân đến đọc sách miễn phí, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Đặc biệt, nơi đây còn có khu trưng bày các hiện vật trang phục, đồ dùng, nhạc cụ của đồng bào dân tộc địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Giang Văn Đông, Bí thư Chi bộ tổ 9, phường Chiềng Lề, chia sẻ: Chi ủy cùng với đoàn thể phường Chiềng Lề đã huy động nguồn xã hội hóa để làm "Ngôi nhà trí tuệ" của tổ; phát động phong trào ủng hộ sách, báo, tạp chí từ công dân. Hiện tại, "Ngôi nhà trí tuệ" của tổ đã có 3.000 đầu sách phục vụ bạn đọc, từng bước nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng tại địa phương.
Nhận thấy lợi tích mô hình "Ngôi nhà trí tuệ", đến nay, phường Chiềng Lề đã nhân rộng mô hình. Bà Lò Thị Bình, Bí thư Đảng ủy phường, chia sẻ: Đảng ủy đã chỉ đạo UBND phường đã ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ triển khai thực hiện mô hình "Ngôi nhà trí tuệ". Đến nay, 9/13 tổ, bản của phường đã có "Ngôi nhà trí tuệ", với tổng số hơn 18.000 đầu sách về tất cả các lĩnh vực; duy trì hoạt động đọc ít nhất 3 buổi/tuần và thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động gìn giữ văn hóa dân tộc.
Trường THCS Nguyễn Trãi là một trong 8 trường học đã xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ”, gồm: Thư viện nhân ái, với hàng nghìn cuốn sách về nhiều lĩnh vực; góc địa phương trưng bày trang phục dân tộc, đạo cụ, vật dụng mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc... phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu, tìm hiểu của giáo viên và trên 900 học sinh.
Em Giàng Nguyễn Khánh Sơn, lớp 9A5, chia sẻ: Giờ ra chơi, em và các bạn thường xuyên xuống "Ngôi nhà trí tuệ" để tìm đọc những cuốn sách yêu thích và chơi cờ vua giải trí. Từ những cuốn sách, giúp chúng em có thêm kiến thức ngoài sách giáo khoa, nhất là sách nâng cao về môn toán, là môn em đang ôn luyện để thi đội tuyển học sinh giỏi.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Học tập suốt đời, người sáng lập chương trình "Tủ sách Nhân ái" và "Ngôi nhà Trí tuệ", cho biết: Sự sáng tạo và linh hoạt của các tổ, bản, trường học trong việc tìm kiếm nguồn sách và tổ chức các hoạt động tại "Ngôi nhà trí tuệ" đã thu hút đông đảo người dân tham gia và góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng. Viện Học tập suốt đời sẽ hỗ trợ tối đa các "Ngôi nhà trí tuệ" trong việc kết nối với các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước để giao lưu, trao đổi văn hóa và học thuật. Kết nối để thành phố Sơn La kết nghĩa với một số thành phố ở nước ngoài tương đồng về văn hóa, xã hội.
Xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, bản sắc
Việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, được thành phố Sơn La quan tâm, chỉ đạo các xã, phường thành lập câu lạc bộ (CLB) văn hóa các dân tộc, tuyên truyền, vận động người dân tham gia và mời các nghệ nhân văn hóa truyền dạy cho hội viên và con em.
Phường Chiềng Cơi đã thành lập được 3 CLB văn hóa Thái tại tổ 1, bản Chậu Cọ và Coóng Nọi, với 135 thành viên. Các CLB tích cực sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy các di sản văn hóa của dân tộc Thái, như múa xòe, các điệu múa Thái cổ, hát hạn khuống, dạy chữ Thái cho người dân, con em và sinh viên Trường Đại học Tây Bắc.
Vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, các thành viên CLB văn hóa Thái bản Chậu Cọ tập trung về nhà văn hóa bản sinh hoạt. Bà Lò Thị Mai Cương, thành viên CLB, chia sẻ: CLB xây dựng lịch sinh hoạt cụ thể từng tuần, gồm nhiều hoạt động, chơi trò chơi dân gian, tập hát, múa, dạy chữ Thái... Tham gia CLB, giúp chúng tôi được giao lưu, học hỏi, lưu giữ và truyền lại những di sản văn hóa quý báu của đồng bào dân tộc Thái.
Là học viên lớn tuổi nhất tham gia lớp học chữ Thái của bản Chậu Cọ, bà Tòng Thị Hỏa chia sẻ: Sau hơn 2 tháng học, tôi đã biết viết chữ Thái, biết thêm nhiều câu ca dao, tục ngữ, bài hát đối, vè của dân tộc Thái, tôi sẽ truyền dạy lại cho con cháu.
Còn tại phường Chiềng An, cũng đã duy trì hoạt động hiệu quả 3 CLB văn hóa dân tộc, với 141 hội viên. Các CLB tổ chức 4 lớp truyền dạy xòe Thái và "Vũ điệu kết đoàn", 3 lớp dạy chữ Thái và truyền dạy nghề thủ công đan lát cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, các CLB tích cực tổ chức giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian tó mák lẹ, tung còn... tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng.
Bà Lò Thị Bua, Phó Chủ tịch UBND phường Chiềng An, chia sẻ: Tạo điều kiện cho các CLB hoạt động, phường vận động xã hội hóa và đóng góp từ các thành viên để xây dựng quỹ, mua sắm trang thiết bị. Trong thời gian tới, phường ra mắt thêm 2 CLB tại bản Cá và Phứa Cón.
Đến nay, thành phố Sơn La đã thành lập 54 CLB văn hóa Thái, thu hút hơn 2.300 thành viên. Bà Lù Thị Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố, cho biết: Các CLB không chỉ góp phần bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ; tích cực nghiên cứu, giữ gìn các phong tục tập quán tốt đẹp từ chữ Thái cổ sang chữ phổ thông, giúp cộng đồng dễ tiếp cận, hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra, Thành phố còn phục dựng Lễ hội “Xên bản” và duy trì tập luyện, biểu diễn 6 điệu “Xòe cổ” và “Vũ điệu kết đoàn”.
Thúc đẩy Thành phố học tập toàn cầu
Phấn đấu giữ vững danh hiệu "Thành phố học tập toàn cầu", phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng được các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố quan tâm, phát triển; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần tự học, sáng tạo bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp.
Bà Lò Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố, thông tin: Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng được các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm, phát triển đi vào chiều sâu. Tỷ lệ "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" tăng đều mỗi năm. Đến nay, 73,1% số công dân Thành phố đạt danh hiệu "Công dân học tập", có 95,8% số hộ đạt "Gia đình học tập", 100% số dòng họ đạt "Dòng họ học tập", 100% số xã, phường, tổ, bản, tiểu khu đạt học tập; 100% số cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu "Đơn vị học tập".
Thành phố tiếp tục duy trì và đổi mới hình thức tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ công việc. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch tổ chức Cuộc thi "Sơn La - Thành phố học tập toàn cầu tôi yêu"; tổ chức thành công cuộc thi hùng biện tiếng Anh cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn năm học 2023-2024.
Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố đã chủ động tham dự đầy đủ các hội nghị, hội thảo do UNESCO tổ chức qua hình thức trực tiếp, trực tuyến. Chủ động liên hệ đăng ký với Viện Học tập suốt đời UNESCO tham gia Dự án nghiên cứu trường hợp các thành phố học tập toàn cầu khu vực châu Á và châu Phi, dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 10/2024. Đăng ký, triển khai xây dựng Đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến đọc trên địa bàn thành phố Sơn La"...
Với quyết tâm chính trị cao, thành phố Sơn La phấn đấu đến năm 2030 đạt giải thưởng “Thành phố học tập toàn cầu”. Tập trung thúc đẩy cơ hội học tập gồm giáo dục cơ bản tới giáo dục đại học cho nhân dân; khuyến khích học tập trong gia đình và cộng đồng; tạo điều kiện học tập phục vụ công việc và tại nơi làm việc; mở rộng sử dụng công nghệ học tập hiện đại; tăng cường chất lượng, tính toàn diện trong học tập; thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!