Những năm qua, Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa, biên soạn nhiều cuốn sách ghi lại những chặng đường lịch sử hoạt động, đấu tranh và xây dựng của các địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo lịch sử Đảng bộ xã Chiềng Ngàm (Thuận Châu).
Bà Vương Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Sơn La, cho biết: Thành lập từ tháng 8/2007, Hội Khoa học lịch sử tỉnh có 3 chi hội, 88 thành viên, đến nay, hội phát triển lên thành 5 chi hội, 126 hội viên. Các hội viên là các bậc lão thành cách mạng, giáo viên bộ môn lịch sử, cán bộ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện. Các hội viên đã tích cực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kết hợp với những nội dung hoạt động của Hội về tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lịch sử, văn hoá - xã hội, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc ở địa phương, tham gia viết bài cho các tạp chí, tập san trong nước, phối hợp xây dựng kịch bản các bộ phim tư liệu và chuyên mục giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa Sơn La nhằm phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch...
Nổi bật, trong năm 2019, Hội đã phối hợp tổ chức 4 cuộc hội thảo về các sự kiện, nhân vật lịch sử và văn hóa như: “Tỉnh Sơn La trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc”, “Dấu ấn lịch sử 60 năm Bác Hồ về thăm Tây Bắc (1959- 2019), “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô biểu tượng quan hệ hữu nghị Việt Nam- Lào”, “Chi bộ Ngục Sơn La - Giá trị lịch sử”...; tham gia biên soạn 5 cuốn lịch sử Đảng bộ các xã: Hua Nhàn, Phiêng Côn (Bắc Yên), Chiềng Lương, Chiềng Nơi (Mai Sơn), Tông Cọ (Thuận Châu), phối hợp với các xã: Làng Chếu, Chim Vàn (Bắc Yên), Mường Bám, Chiềng Ngàm (Thuận Châu) tổ chức biên soạn, hội thảo và hoàn thành bản thảo Lịch sử Đảng bộ của các xã. Hội đã biên tập, xuất bản 6 số bản tin “Sơn La xưa và nay”, phát hành đến các hội viên và các đơn vị, trường học trong địa bàn tỉnh. Chất lượng của bản tin ngày càng được nâng cao với nhiều bài viết đã giới thiệu những nhân vật, di tích tiêu biểu của địa phương, góp phần phổ biến các kiến thức về lịch sử, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, các di tích văn hóa của các dân tộc Sơn La.
Ông Hoàng Quách Cầu, Chi hội trưởng Chi hội Sử học huyện Phù Yên, chia sẻ: Hiện nay, Chi hội có 38 thành viên, phần lớn là giáo viên cấp THCS và THPT trên địa bàn huyện. Chi hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện tham gia biên soạn các tiết học giới thiệu về lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1940- 2015, gắn với tìm hiểu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn huyện cho bậc học THCS và THPT. Các hội viên là cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo huyện ủy đã tích cực tham gia công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn của huyện. Tính đến nay, huyện Phù Yên có 8/27 xã, thị trấn xuất bản được cuốn lịch sử Đảng bộ xã, thị trấn còn lại đang trong giai đoạn xây dựng đề cương, khai thác tư liệu, đầu tư nguồn lực, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Ngoài ra, một số hội viên còn viết bài nghiên cứu về lịch sử địa phương, tập trung vào các chủ đề: lịch sử chống giặc ngoại xâm, lịch sử văn hóa - ẩm thực, văn hóa tâm linh... để cộng tác với Hội Khoa học lịch sử tỉnh và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội thảo về lịch sử, văn hóa địa phương; hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên và một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra các chi hội, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và thực hiện Đề án trang thông tin điện tử bản tin “Sơn La xưa và nay” để công tác thông tin, tuyên truyền về lịch sử địa phương được phổ biến rộng rãi hơn.
Với những tâm huyết về hoạt động chuyên môn của mình, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!