Việc phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, giúp nhân dân được tiếp cận thông tin, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Gần 2 tháng qua, nhà văn hóa bản Bún, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ luôn sáng đèn vào mỗi tối. Tiếng đánh vần của những học viên đặc biệt tham gia lớp xóa mù chữ vang lên xóa tan không gian tĩnh mịch vốn có nơi đây. 35 học viên nữ, tuổi từ 15 đến 50, bàn tay chai sạn vốn chỉ quen với công việc nương rẫy, nay tập cầm bút tô từng nét chữ cho tròn.
Chị Pùa Thị Chua, Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ bản Bún, chia sẻ: 17 năm trước, tôi từng tham gia lớp xóa mù chữ do cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn đứng lớp, do mới sinh con nên tôi chỉ theo học được một tháng. Năm nay, biết tin lớp học được mở tại bản, tôi đăng ký học. Tôi cùng thầy giáo đến từng hộ vận động hội viên phụ nữ đến lớp học chữ. Biết chữ, giúp chúng tôi tự tin hơn, hiểu biết pháp luật và học được cách làm ăn, phát triển kinh tế.
Được phân công đứng lớp xóa mù chữ, giáo viên Vì Văn Lập, Trường Tiểu học và THCS Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tâm sự: Lớp học xóa mù chữ chủ yếu là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, khi tôi giảng dạy, phải lựa chọn những chữ giao tiếp hằng ngày để dạy trước và dịch sang cả tiếng dân tộc để bà con dễ thuộc, dễ nhớ, tạo không khí lớp học vui vẻ, thu hút bà con đến lớp thường xuyên.
Học được chữ, bà con thuận lợi hơn trong giao tiếp, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Chị Giàng Thị Chu, bản Pa Khôm, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, sau khi hoàn thành lớp xóa mù chữ ở bản năm 2023, không chỉ biết đọc, viết, chị còn biết tính toán phát triển kinh tế và mạnh dạn vay 50 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng 500 gốc mận hậu thay thế diện tích đất trồng ngô kém năng suất.
Chị Chu phấn khởi cho biết: Biết chữ giúp tôi học được kỹ thuật chăm sóc mận hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng và áp dụng vào vườn cây của gia đình. Do đó, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Năm nay, vườn mận bắt đầu bói quả, dự kiến thu hoạch khoảng 3 tạ quả. Dù vẫn còn khó khăn, nhưng gia đình sẽ phấn đấu để viết đơn xin thoát nghèo vào cuối năm nay.
Còn chị Vàng Thị Sâu ở bản Láy, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, sau khi hoàn thành lớp xóa mù chữ, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chị cùng với chồng đăng ký, làm hồ sơ xin đi làm công nhân tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC, ở tỉnh Hà Nam. Chị Sâu chia sẻ: Biết chữ đã giúp tôi làm chủ được cuộc sống. Mỗi tháng vợ chồng tôi thu nhập khoảng 22 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt và thuê nhà, tiết kiệm được 15 triệu đồng. Vợ chồng tôi chi tiêu tiết kiệm để nuôi 3 con ăn học và dành dụm tiền cuối năm sửa chữa lại căn nhà gỗ.
Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh ban hành kế hoạch phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh rà soát, cập nhật số liệu đối tượng trong độ tuổi xóa mù chữ, mở lớp phù hợp, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ phụ trách xóa mù chữ. Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã mở 32 lớp xóa mù chữ với 1.180 học viên tham gia, nâng tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ mức độ 2 đạt 88,5%, góp phần duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Nỗ lực phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; phối hợp tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2025, phấn đấu mở mới 35 lớp xóa mù chữ giai đoạn 1, với 1.387 học viên và 19 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 với 486 học viên. Nâng tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ mức độ 2 đạt 96,1%.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!