Xây dựng mô hình công dân học tập

Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, các cấp hội khuyến học trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các mô hình học tập phù hợp với thực tế. Trong đó, mô hình “Công dân học tập” đóng vai trò nòng cốt trong việc hình thành và lan tỏa tinh thần học tập suốt đời trong cộng đồng.

Giọng nữ

 

Lớp học của Trung tâm học tập cộng đồng xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu.

             Từ những mô hình thí điểm

So với các mô hình như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, mô hình “Công dân học tập” (CDHT) ra đời muộn hơn và có nhiều điểm mới. Theo quy định, để được công nhận CDHT, mỗi công dân phải bảo đảm các tiêu chí đó là: Có tinh thần tự học và học tập suốt đời; phải biết sử dụng công cụ học tập, làm việc và phải có năng lực xây dựng, thực hiện các mối quan hệ xã hội như kỹ năng thiết lập mối quan hệ thân thiện với mọi người, ứng xử văn hóa, kỹ năng hợp tác, chia sẻ và có ý thức bảo vệ môi trường... 

Để mô hình đi vào thực tiễn, tháng 10/2020, Hội Khuyến học tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm mô hình CDHT tại 47 cơ quan, trường học, 36 bản, tổ dân phố thuộc 31 xã, 2 phường, 7 thị trấn trong tỉnh, với tổng số 1.688 công dân đăng ký tham gia thí điểm, gồm: 1.276 công chức, 412 nông dân và người lao động.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của mô hình, ngay khi được chọn thí điểm, xã Hua La, Thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký danh hiệu CDHT. Ông Lèo Văn Tình, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, thông tin: Thời điểm đó, các đoàn thể xã đã phối hợp với ban quản lý các bản triển khai tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là các thành viên của “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” tham gia đăng ký danh hiệu CDHT. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các nhà trường đóng chân trên địa bàn xã vận động phụ huynh học sinh tích cực động viên, khuyến khích con cháu học tập, phấn đấu trở thành CDHT. Kết quả, có 70 công dân trong xã đăng ký đạt danh hiệu CDHT, số lượng cao nhất trong cụm 3 xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Hua La lúc bấy giờ.

Cán bộ Hội Khuyến học đánh giá các tiêu chí CDHT trên phần mềm.

Còn tại huyện Mộc Châu (nay là thị xã Mộc Châu), Hội Khuyến học huyện đã thực hiện thí điểm mô hình tại các xã Chiềng Sơn, Phiêng Luông và thị trấn Mộc Châu, với hơn 300 người dân đăng ký đạt danh hiệu CDHT. Bà Giàng Khánh Ly, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã Mộc Châu, chia sẻ: Khi ấy, để nhân dân hiểu và tích cực tham gia mô hình, chúng tôi đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn bà con các bước đăng ký, đăng nhập tài khoản; quản lý, chỉnh sửa, phê duyệt thông tin tự đánh giá của hội viên theo cụm xã, cụm bản, tiểu khu theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Đối với một số bản, như, Suối Thín, Pha Luông, Hin Pén, Dân Quân của xã Chiềng Sơn, do chưa có sóng điện thoại, cán bộ khuyến học triển khai họp dân vào buổi tối (bởi ban ngày bà con đi làm nương và những công việc khác của gia đình) để phổ biến các tiêu chí xét danh hiệu CDHT và thực hiện đánh giá thủ công trên giấy.

Sau gần 1 năm triển khai thí điểm, trên cơ sở bình xét, đánh giá của các cấp hội khuyến học trong tỉnh có trên 81% số người đăng ký đạt danh hiệu CDHT. Trong đó, số công chức, viên chức là 1.098/1.276 người, đạt 86,05%; nông dân, người lao động là 275/412 người, đạt 66,74%. 

Tạo điều kiện để tất cả công dân được học tập

Từ những kết quả đạt được, Hội Khuyến học tỉnh đã rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch triển khai đại trà mô hình đến 100% thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. Hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 19/8/2022 về thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình CDHT giai đoạn 2021-2030” nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho tất cả công dân được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Tập huấn nghiệp vụ công tác hội khuyến học cho cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ làm công tác khuyến học ở cơ sở.

Bà Mai Thu Hương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Trong thực hiện, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình CDHT qua các hội nghị, các cuộc họp, sinh hoạt chi hội ở cơ sở. Chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ làm công tác khuyến học ở cơ sở. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành giáo dục các địa phương đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu “Cần gì học nấy”, học mọi lúc, mọi nơi và phù hợp với từng lứa tuổi của nhân dân.

Từ năm 2024 đến nay, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã tổ chức 145 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến học, trong đó có nội dung hướng dẫn sử dụng bộ công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu CDHT giai đoạn 2021-2030 cho trên 5.000 lượt cán bộ khuyến học cơ sở. Phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng mở 200 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và mô hình sản xuất, thu hút 12.000 lượt người học.

Bà Mai Thu Hương thông tin thêm: Chia sẻ, tiếp thu những kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng mô hình CDHT, tháng 8/2024, Hội Khuyến học tỉnh đã đăng cai tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình học tập theo Quyết định số 387 và Quyết định số 677 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021- 2030”, với sự tham gia của gần 40 đại biểu thuộc Cụm khuyến học số I các tỉnh Tây Bắc. Các đại biểu đã đánh giá thực trạng, trao đổi kinh nghiệm thực hiện các mô hình học tập, trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp kiểm tra, đánh giá, công nhận mô hình CDHT; nâng cao nhận thức của nhân dân về học tập suốt đời gắn với việc chuyển đổi số, thông qua việc triển khai xây dựng các mô hình học tập…

Bên cạnh đó, để kịp thời đánh giá công tác triển khai, việc thực hiện các nội dung trong xây dựng mô hình CDHT, các cấp hội khuyến học còn tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cùng cấp thành lập các đoàn kiểm tra xây dựng mô hình CDHT tại các phường, xã, thị trấn. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc.

Tiến tới xây dựng xã hội học tập

Đến nay, toàn tỉnh có 377.050 công dân đăng ký đạt danh hiệu CDHT. Trong đó, có 234.902 người được công nhận danh hiệu CDHT, bằng 62,3%. Ở cấp xã, có nhiều đơn vị đã triển khai đại trà bộ công cụ phần mềm đánh giá, công nhận danh hiệu CDHT tại khu dân cư và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.

Qua việc triển khai mô hình, mỗi công dân đều có nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết là một CDHT trong giai đoạn hiện nay. Bà Lò Thị Thởn, bản Muổi Nọi A, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, cho hay: Ban đầu, tôi nghĩ rằng mô hình CDHT chỉ dành cho những công chức, viên chức, nhưng sau khi được tuyên truyền, tôi hiểu rằng CDHT là những người biết tự học và áp dụng kiến thức tiếp thu được để giúp bản thân, gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phân biệt đối tượng, ngành nghề. Gia đình tôi trồng 1 ha cà phê, hơn 2.000 m2 ruộng, học tập theo mô hình, tôi tự tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây trồng qua sách, báo và áp dụng vào thực tế nên cây trồng phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Học sinh Trường THPT Thuận Châu tích cực học tập, phấn đấu đạt danh hiệu CDHT.

Nhờ thực hiện tốt mô hình CDHT, số lượng các “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” ngày càng phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 213.055 “Gia đình học tập”; 1.037 “Dòng họ học tập”; 2.227 “Cộng đồng học tập”  và 875 “Đơn vị học học tập”, góp phần đưa phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng mô hình CDHT ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác triển khai đánh giá theo các tiêu chí về CDHT trên phần mềm còn nhiều khó khăn, tỉ lệ tham gia thấp. Cán bộ khuyến học ở một số xã là người lớn tuổi, kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ hạn chế; số lượng máy tính, điện thoại thông minh trong hội viên, đặc biệt, là vùng nông thôn còn ít nên đã ảnh hưởng đến việc tập huấn, triển khai, đánh giá, xếp loại, tổng hợp số liệu liên quan đến mô hình CDHT…

Năm 2025, tỉnh ta phấn đấu 40% người lớn trong các “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và 60% cán bộ, công chức trong các “Đơn vị học tập” đạt danh hiệu CDHT; 70% CDHT có kỹ năng số, trong đó, 60% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá CDHT trên môi trường số hóa…

Các cấp hội khuyến học trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, mở các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả của mô hình CDHT trên toàn tỉnh. Phối hợp với ngành giáo dục mở các lớp đào tạo dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân được học tập, nâng cao năng lực, trình độ. Huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, nhân rộng mô hình CDHT, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới