Từ tiếng lành đồn xa, gia đình ông Nguyễn Văn Thuật, bản Hua Đán, xã Tú Nang (Yên Châu) có thu nhập hàng tỷ đồng từ trồng cây ăn quả. Thông tin này khiến chúng tôi thêm háo hức về Hua Đán để được “thực mục sở thị”.
Ông Nguyễn Văn Thuật, bản Hua Đán, xã Tú Nang (Yên Châu) chăm sóc vườn xoài.
Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Thuật được bao quanh bởi màu xanh của nhãn đang kỳ nở rộ hoa. Khác với suy nghĩ của chúng tôi, ông Thuật dáng người nhỏ, khuôn mặt hiền, thân thiện. Rót chén trà mời khách, ông Thuật kể: Sinh ra và lớn lên ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Năm 1989, ông và một số người lên xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) lập nghiệp, đến năm 1992, ông đưa cả gia đình lên xã Tú Nang định cư. Những ngày đầu mới lập nghiệp nơi quê mới, cuộc sống khó khăn, không có đất sản xuất, lạ nước, lạ cái, ông mượn 1 ha đất để canh tác, dựng một căn nhà nhỏ ở tạm. Ban đầu, ông học theo người dân bản địa trồng ngô, mất nhiều công chăm sóc nhưng thu hoạch kém hiệu quả. Sau một thời gian quen với vùng đất mới, nhận thấy đất sản xuất ở đây đều là đất đồi núi dốc, khó trồng cây ngắn ngày, điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây ăn quả, nên năm 1994, ông đã mua giống cây nhãn, xoài từ Hưng Yên lên để trồng. Thiếu vốn ông vay mượn của bạn bè, người thân 500 triệu đồng để đầu tư sản xuất và trả tiền thuê đất hằng năm cho bà con trong bản.
Qua câu chuyện với ông chúng tôi được biết, giai đoạn từ 1992 đến năm 2000, ông đầu tư trồng nhãn lồng và xoài miền Nam, nhưng không hiệu quả. Sau đó, ông phá diện tích trồng xoài chuyển sang trồng cây mơ, song hiệu quả vẫn không được như mong muốn, rồi ông chuyển sang trồng nhãn lồng. Vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm qua thực tế sản xuất, đến năm 2001, diện tích nhãn cho thu hoạch quả bói, gia đình bắt đầu có thu nhập. Tuy nhiên, sau 8 năm thu nhập từ cây nhãn lồng địa phương, năng suất và chất lượng quả mỗi năm lại giảm, việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Ông lại dành thời gian, tự tìm tòi, học hỏi tiến bộ kỹ thuật ghép cây ăn quả qua những người làm vườn ở Hưng Yên, rồi áp dụng vào thực tế sản xuất. Năm 2009, gia đình ông tiến hành ghép giống nhãn miền, nhãn muộn T6 thay thế 3.000 cây nhãn địa phương. 2 năm sau, ông trồng thêm 2.000 cây xoài giống xoài Đài Loan, xoài Úc... 3 năm sau, diện tích xoài đã cho thu hoạch. Nhờ áp dụng kĩ thuật chăm sóc theo từng giai đoạn cả trước và sau khi thu hoạch, nên sản phẩm quả của gia đình đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, vì vậy, giá thành thường cao hơn so với những gia đình khác. Đến vụ thu hoạch ông trực tiếp liên hệ với thương lái ở Hà Nội lên thu mua tại vườn. Đến nay, gia đình ông có 6 ha cây ăn quả, sản lượng nhãn đạt bình quân 40 tấn/năm, trừ chi phí thu 800 triệu đồng; xoài đạt 10 tấn/năm, sau khi trừ chi phí thu hơn 200 triệu đồng. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình ông Thuật từ 1 tỷ đồng trở lên.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thuật còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức tiền công trung bình từ 4-6 triệu đồng/tháng, vào mùa vụ số lượng lao động tăng lên gấp 2-3 lần. Mô hình kinh tế của gia đình ông được nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm và được ông tư vấn, chia sẻ về cách chọn giống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các giai đoạn chăm sóc cây trồng… Khi được hỏi về dự định trong tương lai, “tỷ phú” đất Tú Nang cho biết sẽ vận động người dân trong bản thành lập HTX hoa quả sạch để tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Riêng gia đình ông sẽ cải tạo, đầu tư xây dựng vườn cây ăn quả thành khu du lịch nhà vườn để bạn bè, du khách đến thăm quan và trải nghiệm.
Từ những việc làm cụ thể và những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Thuật được Hội Nông dân tỉnh công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều năm được huyện Yên Châu tặng Giấy khen. Chia tay ông Thuật, chúng tôi ấn tượng về sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của ông, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp sức xây dựng quê hương phát triển.
Huyền Trăng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!