Nói về anh Lê Văn Mến, ở bản Khoa 2, xã Tường Thượng (Phù Yên) hầu như ai cũng biết đây là chủ nhân của trang trại bò lớn nhất khu vực, mỗi năm thu lãi 700-800 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lê Văn Mến ủ ướp thức ăn dự trữ cho đàn bò.
Trong câu chuyện của anh Mến, chúng tôi biết anh sinh ra và lớn lên ở bản Khoa 2 này, hiểu rõ những khó khăn của bà con dân bản. Dù cần cù, chăm chỉ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, bởi ngoài làm nương rẫy, nhà nào cũng chỉ nuôi vài con trâu, bò, chủ yếu thả rông. Sau khi xây dựng gia đình, anh xin ra ở riêng, được bố mẹ cho 4 con bò sinh sản làm vốn. Nghĩ khác, làm khác, anh góp vốn mua thêm 16 con bò sinh sản, nhưng thời điểm đó do thiếu thông tin, chưa tìm kiếm được thị trường, nên rất khó tiêu thụ bò thương phẩm, năm nào lãi lắm cũng chỉ được 100-200 triệu đồng. Anh nghĩ chăn nuôi mà thả rông thì không ổn, bò lại dễ mắc dịch bệnh; ở bản có nhiều diện tích đất bạc màu, sao mình không trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò? Để “chắc ăn”, anh sang Mai Sơn, xuống Mộc Châu để học tập kinh nghiệm mô hình nuôi bò nhốt chuồng, kỹ thuật chăm sóc bò, phương pháp trồng cỏ, rồi xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt bò... Ngay từ năm 2012, đàn bò nhà anh đã có hơn 100 con.
Không chỉ nuôi bò sinh sản, anh Mến lần đến rất nhiều địa phương trong xã, trong huyện để mua lại những cặp bò mẹ con, bò gầy giống địa phương về nuôi vỗ béo. Thức ăn cho bò vẫn chủ yếu là cỏ voi, rơm khô, cám gạo, cám ngô, sắn. Để bảo đảm đủ lượng thức ăn cho đàn bò, anh trồng thêm 4 ha cỏ voi, vào mùa gặt tích trữ thêm rơm khô, mật mía, thân cây ngô già, ủ ướp hàng trăm tấn thức ăn dự trữ. Theo anh Mến, để bò phát triển tốt phải có thức ăn thường xuyên, trong chuồng lắp một máng để rơm, một máng để cỏ và một máng để nước, bò có thể ăn, uống cả ngày lẫn đêm.
Trong chăn nuôi, đặc biệt chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh; mỗi tuần phun khử trùng chuồng trại một lần; 6 tháng lại tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm, long móng, đau mắt đỏ..., thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải đóng bao để bón cho diện tích cỏ voi, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí. Nhiều năm chăn nuôi bò, anh Mến đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, vỗ béo đàn bò. Những con bò gầy sau khi mua chỉ một vài tháng là béo tốt, khỏe mạnh và có thể xuất bán được. Trang trại của anh hiện có 320 con bò, trị giá trên 7 tỷ đồng. Vậy nhưng, anh vẫn đang dự định mở rộng thêm 1.000 m2 chuồng trại nữa để nuôi 150 bò lai sind, giống bò trọng lượng lớn, đạt từ 2,5 - 3 tạ thịt/con.
Là 1 trong 8 người làm công tại trang trại, anh Lò Văn Thanh, người cùng bản làm việc tại đây từ năm 2016, chia sẻ: Trước đây, lúc nông nhàn tôi thường đi làm thuê xa nhà để có thêm thu nhập, nhưng lúc có việc, lúc không, vất vả lắm. Vào đây làm, tôi không những có việc làm ổn định, thu nhập 5 triệu đồng/tháng, mà còn học hỏi được kinh nghiệm chăn nuôi để sau này có điều kiện sẽ đầu tư chăn nuôi bò.
Đàn bò của gia đình anh Lê Văn Mến.
Anh Mến luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho các hộ dân muốn làm theo mô hình của anh. Bản Khoa 2 hiện có 4 hộ làm theo mô hình này, cũng thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Chị Lê Thị Út thật thà: Thấy mô hình nuôi bò nhốt của anh Mến hiệu quả, tôi đã học cách làm, ban đầu nuôi 4 con bò sinh sản, tìm mua bò gầy về vỗ béo, trồng cỏ voi, tích lũy rơm rạ... bây giờ mỗi năm nhà tôi cũng xuất bán 40-50 con bò thịt, lãi 2 - 3 triệu đồng/con đấy.
Năng động, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi đã mang đến thành công cho anh Lê Văn Mến trong phát triển kinh tế. Ghi nhận thành tích trong lao động sản xuất, anh Mến đã được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen; năm 2017 anh được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012-2016.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!