Triệu phú ở chân đèo Pha Đin

Với cách làm sáng tạo, năng động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Thào A Hồ, bản Mô Cổng, xã Phổng Lái (Thuận Châu) đã đưa cây chanh leo vào trồng thành công trên 3 ha đất đồi của gia đình, đem lại thu nhập 300 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hồ còn tích cực vận động, giúp nhân dân trong bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đánh thức tiềm năng vùng đất dưới chân đèo Pha Đin để vươn lên làm giàu.

Anh Thào A Hồ chăm sóc vườn chanh leo của gia đình.

Đưa chúng tôi thăm vườn chanh leo trĩu quả, anh Hồ chia sẻ: Qua tìm hiểu, nhận thấy cây chanh leo phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, hiệu quả kinh tế lại cao, đầu năm 2017, tôi quyết định đưa cây chanh leo về trồng với quy mô ban đầu là 0,5 ha. Tôi đã được hỗ trợ cây giống theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, còn gia đình bỏ vốn để làm giàn. Để hướng đến xuất khẩu, tôi tích cực học hỏi các mô hình và tìm hiểu thêm trên các phương tiện truyền thông về cách thức chăm sóc cây chanh leo theo đúng quy trình, để chúng sinh trưởng, phát triển tốt nhất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao.

Tưởng chừng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ mang đến cho gia đình anh vụ mùa bội thu, nhưng mùa chanh leo đầu tiên đang chuẩn bị cho thu hoạch thì bị mất trắng toàn bộ do ngập lụt. Song, anh Hồ không nản chí, lại bắt đầu từ việc chọn, trồng cây giống, đến chú trọng về kỹ thuật chăm sóc để đảm bảo số lượng và chất lượng quả. Nhìn cách anh Hồ lựa từng lá cây chanh leo để kiểm tra, cắt tỉa, cảm nhận được anh chăm chút và đam mê với cây trồng này như thế nào. Vừa tỉa lá cây, anh vừa  bảo: Giống chanh leo tím đang được người dân ở xã Phổng Lái trồng nhiều, thời gian thu hoạch ngắn, sau 4 tháng trồng là cho thu hoạch quả. Hiện, gia đình tôi có 2 ha chanh leo cho thu hoạch, mỗi lần thu được trên 2 tạ quả với giá bán bình quân từ 12.000 đồng - 15.000 đồng/kg. Trước đây, cũng với diện tích đó, gia đình tôi trồng ngô, sắn, chỉ thu từ 3-3,5 triệu đồng; nay chuyển sang trồng chanh leo thu nhập gấp gần chục lần. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo, tôi đã vận động người dân trong bản cùng chuyển đổi cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tìm đầu ra sản phẩm cho bà con. Đến nay, bản Mô Cổng đã trồng trên 10 ha chanh leo, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Có ưu thế học chuyên ngành kế toán tại Trường Đại học Tây Bắc, anh Hồ đã tham gia vào HTX Chanh leo Thuận Châu và được tín nhiệm bầu là Phó Giám đốc HTX. Anh cùng với Ban Giám đốc HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của bà con nông dân tại địa phương. Anh cũng chính là người tích cực vận động người dân trồng chanh leo tham gia vào HTX để giúp các hộ dân liên kết cùng chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó mà sản phẩm chanh leo của người dân làm ra được thu mua tận vườn. Sau khi được phân tích, vận động và thấy được hiệu quả từ mô hình trồng chanh leo của gia đình anh Hồ, anh Thào Vả Kỷ đã tham gia HTX và trồng 1 ha chanh leo. Bên giàn canh leo phát triển xanh tốt, anh Kỷ hồ hởi: Cũng may là được anh Thào A Hồ kiên trì vận động, hướng dẫn nên gia đình tôi mới trồng được vườn chanh leo như hôm nay. Toàn bộ cây giống, phân bón của gia đình được anh Hồ cung cấp, hiện gia đình đang tuân thủ theo kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa do anh Hồ hướng dẫn, dự kiến năm nay vườn chanh leo cho thu hoạch sẽ đem lại thu nhập cho gia đình. Anh Hồ cũng đứng ra nhận bao tiêu quả chanh leo nên gia đình rất yên tâm.

Cùng với việc phát triển cây chanh leo, anh Hồ còn học hỏi kinh nghiệm trồng cây sa nhân tím, hiện anh đã trồng trên 1 ha sa nhân tím, loại cây thuộc họ gừng và là một trong những loại dược liệu quý phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng không chỉ giúp nâng cao thu nhập của người dân mà còn hạn chế rửa trôi và xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng phong phú, bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn và hạn chế lũ lụt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống. Với giá bán khoảng 400.000 đồng/kg quả khô, dự tính trong năm nay diện tích sa nhân của gia đình anh sẽ cho thu nhập trên một trăm triệu đồng. Bản Mô Cổng hiện có trên 200 ha trồng sa nhân tím, đây cũng là một trong những cây trồng chủ lực của bản.

Nhận xét về anh Thào A Hồ, đồng chí Nguyễn Văn Báu, Bí thư đảng ủy xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, nói: Mô Cổng, Phổng Lái đang từng ngày đổi thay nhờ những con người dám nghĩ, dám làm như Thào A Hồ. Anh là tấm gương để nhân dân trong bản và nhất là thế hệ trẻ học tập noi theo, thay đổi tư duy, cách làm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới